Doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn vay

08:35' - 29/04/2016
BNEWS Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vấn đề lãi suất quá cao và việc tiếp cận vốn vay ngân hàng còn khó khăn đang là những khó khăn sát sườn nhất của cộng đồng doanh nghiệp.
Doanh nghiệp kêu khó về tiếp cận vốn vay. Ảnh minh họa: Trần Việt-TTXVN

Điều này được tổng hợp từ ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành, nghề kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế đất nước” tổ chức ngày 29/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện nay, bình quân lãi suất cho vay ở Việt Nam đang ở mức gần 8%/năm, cao gấp 2 đến 3 lần so với mức lãi suất ở các nước trong khu vực. Chủ tịch VCCI, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Với mức lãi suất như vậy, doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước khác”.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, do nợ xấu chưa được xử lý tốt, các ngân hàng thương mại đang phải nâng mức dự phòng rủi ro. Thêm nữa, Chính phủ đang gấp rút huy động trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi. Nên cộng hưởng các yếu tố này lại, các ngân hàng thương mại khó có thể giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp hơn nữa.

Thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp tuy mới “chào đời” đã phải chịu vay với mức lãi suất cao, thậm chí cao gấp nhiều lần so với mức lãi suất bình quân nói trên, có thể do thiếu điều kiện nọ, điều kiện kia… . Các chi phí chính thức và không chính thức như chi phí vận tải, phí công đoàn, thuế, tăng lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội và các loại tiền “lót tay” đang đè nặng lên vai doanh nghiệp.

“Chỉ còn 3 năm tới để Việt Nam chuẩn bị cho hội nhập toàn diện thông qua các hiệp định như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)…. Vì vậy, thời gian 3 năm trước mắt là cực kỳ quan trọng để nuôi dưỡng sức khỏe cho doanh nghiệp”, ông Lộc nói.

Theo khảo sát của Hội doanh nghiệp quận Hải An, thành phố Hải Phòng gửi VCCI để báo cáo và kiến nghị Chính phủ, nếu như 76% số doanh nghiệp lớn vay được vốn từ các ngân hàng, thì doanh nghiệp nhỏ chỉ có 60% và doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ có 38% là vay được.

Đa số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều đang gặp khó khăn về tài chính. Trong khi việc triển khai quỹ bảo lãnh tín dụng lại chậm và chưa đều khắp.

Nguyên nhân được chỉ ra là do các ngân hàng thương mại đều bắt buộc doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp khi vay vốn. Thêm nữa, thủ tục vay vốn hết sức phiền hà, phức tạp. Do đó, không có cách nào khác, doanh nghiệp vừa và nhỏ buộc phải tự cứu mình bằng cách tìm đến bạn bè, thị trường tín dụng chợ đen…

Nếu như các doanh nghiệp lớn tìm cách xoay xở, vay vốn từ thị trường “chợ đen” với mức 1%, thì những doanh nghiệp nhỏ phải gánh chi phí vốn từ thị trường tín dụng này với mức 6% trên tổng số vốn đầu tư.

Điều này cũng tương tự xảy ra với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho hay, doanh nghiệp có hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm, nhưng lại không được sử dụng và thế chấp đất đai đó để vay vốn ngân hàng. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp, bởi với nguồn vốn hạn hẹp sẽ khó lòng mở rộng sản xuất, cho dù, doanh nghiệp có nhu cầu.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, lãi suất vay vẫn còn ở mức cao đang làm cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ khó có điều kiện hạ giá thành sản phẩm, tăng cường đổi mới công nghệ để tăng sức cạnh tranh. Những doanh nghiệp này thường không có tài sản thế chấp nên tiếp cận tín dụng và vay vốn ngân hàng là hết sức nan giải. Trong khi đó, nhu cầu về vốn luôn là cơn khát đối với doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục