Doanh nghiệp muốn thuận lợi hơn khi tiếp cận vốn ưu đãi

15:06' - 25/09/2015
BNEWS Đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, sản xuất song thủ tục phức tạp, điều kiện và mức lãi suất chưa hấp dẫn, nên doanh nghiệp chưa tiếp cận được,chủ yếu dùng tài sản thế chấp để vay.

Diễn đàn đinh chế tài chính đồng hành cùng doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập. Ảnh: Đức Dũng/Bnews

Các chuyên gia và doanh nghiệp đã thảo luận đưa ra các khuyến nghị chính sách với hoạt động tài chính – ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tại diễn đàn "Định chế tài chính đồng hành cùng doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng ngày 25/9 tại Hà Nội.

Đại diện doanh nghiệp xuất khẩu, bà Hoàng Nghi Trang, kế toán trưởng Công ty cổ phần cơ điện toàn cầu, xuất hàng đi Australia, Mỹ, Nhật, EU… cho hay, trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp đã tìm cách vay vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, hay từ JICA…

Trước đây, đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, xuất khẩu, song thủ tục có nhiều phức tạp, điều kiện và mức lãi suất chưa hấp dẫn, nên doanh nghiệp chưa tiếp cận được, mà chủ yếu dùng tài sản thế chấp để vay.

Theo bà Trang, nếu có thể được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 2-4%/năm sẽ rất có lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư nâng cấp sản xuất và xuất khẩu. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần công khai hơn về thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn này, đồng thời quy trình đánh giá doanh nghiệp xuất khẩu khi tiếp cận cần tinh giản hơn nữa.

Chia sẻ quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cho biết, trong 9 tháng vừa qua, tín dụng ngân hàng tăng trưởng gần 11%; trong đó tín dụng xuất khẩu tăng từ 9-10%, cao hơn gần gấp đôi so cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, con số này chưa được như mong muốn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ hiện nay.

Nguyên nhân đến từ việc các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn, do vậy nhu cầu vay vốn thực sự của doanh nghiệp không cao. Thứ 2 là do các cơ chế ưu đãi, chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp chưa đi vào cuộc sống. Ví dụ như bảo hiểm xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa được đẩy mạnh.

Vì vậy, ông Lực cho rằng, để giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, các ngân hàng cần tập trung cải cách các thủ tục, nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng tinh giản hơn cho doanh nghiệp; đồng thời, thiết lập các định chế tài chính, sản phẩm thiết thực, phù hợp hơn nữa với nhu cầu của doanh nghiệp.

Nhà nước cũng cần có cơ chế chính sách hỗ trợ về tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu như lãi suất, hay bảo hiểm xuất khẩu; tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa xuất khẩu toàn cầu.

Bà Lê Minh Hương, Giám đốc Sở giao dịch

Vietinbank phát biểu tại diễn đàn.

Ảnh: Đức Dũng/Bnews

Đại diện phía ngân hàng, bà Lê Minh Hương, Giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) diễn giải, về tín dụng USD, với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ngân hàng thiết kế riêng chương trình cho vay USD với việc giảm lãi suất cho vay từ 2-3%/năm so với mặt bằng lãi suất chung của thị trường.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng xây dựng các sản phẩm tín dụng cho từng ngành nghề như: làng nghề truyền thống, cho vay tín chấp trên cơ sở quản lý dòng tiền từ các hợp đồng xuất khẩu; chuỗi thủy sản, nông nghiệp… với thủ tục nhanh gọn, tài sản bảo đảm là chính hàng hóa luân chuyển hay các khoản phải thu của doanh nghiệp.

Bà Lê Minh Hương kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét để ban hành các chính sách hỗ trợ các ngân hàng thương mại nguồn vốn với giá hợp lý, để phục vụ cho vay doanh nghiệp xuất khẩu với lãi suất phù hợp/.

Đức Dũng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục