Doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc ký kết hợp đồng thu mua dưa hấu năm 2018

12:43' - 06/12/2017
BNEWS Doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hợp đồng nguyên tắc trong việc thu mua dưa hấu năm 2018 và những năm tiếp theo.
Doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc ký kết hợp đồng thu mua dưa hấu năm 2018 và những năm tiếp theo. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 6/12, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị phổ biến thông tin quy định của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm dưa hấu nhập khẩu. Nhân dịp này, doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hợp đồng nguyên tắc trong việc thu mua dưa hấu năm 2018 và những năm tiếp theo.

Tại hội nghị, đại diện Sở Thương mại; Cục Kiểm nghiệm, kiểm dịch và giám sát chất lượng Khu tự trị Choang Quảng Tây đã lần lượt thông tin đến các đại biểu nhu cầu thị trường nội địa, các quy trình cho phép việc nhập khẩu trái cây vào Trung Quốc, sự biến động trong quá trình nhập khẩu trái cây…

Trung Quốc là quốc gia có sản lượng dưa hấu lớn nhất nhì thế giới, tăng mạnh qua từng năm. Cụ thể, từ 72 triệu tấn vào năm 2013 tăng lên 77,5 triệu tấn vào năm 2016. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu dưa hấu từ nước ngoài của quốc gia này cũng không nhỏ. Điển hình như năm 2016, Trung Quốc đã nhập khẩu 200 nghìn tấn dưa hấu và Việt Nam là thị trường cung ứng chủ yếu.

Về phía Việt Nam, nhu cầu xuất khẩu dưa hấu lại quá lớn, vượt quá nguồn cầu từ đối tác Trung Quốc tới 38 nghìn tấn dẫn đến hệ lụy “được mùa- mất giá” diễn ra thường xuyên.

Nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này là do doanh nghiệp trong nước chưa cập nhật kịp thời những thay đổi về thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc; những yêu cầu khắt khe về quá trình kiểm nghiệm, kiểm dịch chất lượng sản phẩm từ nước láng giềng. Điều đó, đặt nông dân vào tình thế khó, mức độ rủi ro cao.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Thương cho rằng, để tháo gỡ “nút thắt” cho các mặt hàng nông sản nói chung và sản phẩm dưa hấu nói riêng, đòi hỏi cần có sự chung tay vào cuộc từ nhiều phía.

Trước hết, doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ lưỡng, có bước đi phù hợp với cơ chế đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, cần định hướng cho người nông dân trong quy hoạch sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng để có chỗ đứng ở những thị trường khó tính.

Cùng với đó, phải thành lập các hợp tác xã kiểu mới, làm cầu nối gắn kết các doanh nghiệp với người nông dân; thực hiện việc cung ứng vật tư nông nghiệp và giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm, loại bỏ dần khâu trung gian là thương lái…

Ông Thương cũng đề nghị phía Bộ Công Thương và doanh nghiệp Trung Quốc cần tăng cường hỗ trợ khảo sát, điều tra, nghiên cứu tình hình thị trường hiện tại và trong tương lai đối với danh mục các loại cây trồng xuất khẩu tại những quốc gia có ký kết hợp đồng thương mại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục