Đồng bào dân tộc Mông phục hồi cây thảo quả

15:12' - 28/03/2017
BNEWS Đã có 70 đến 80% diện tích thảo quả đã phục hồi sau các đợt rét đậm, rét hại kỷ lục liên tục xảy ra hồi đầu năm 2016 tại khu vực đồng bào người Mông ở huyện Mù Cang Chải, Yên Bái.
Bà con người Mông ở huyện Mù Cang Chải, thu hoạch thảo quả. Ảnh: yenbai.gov.vn

Các đợt rét đậm, rét hại kỷ lục liên tục xảy ra hồi đầu năm 2016 đã khiến hàng nghìn ha thảo quả của người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái bị thiệt hại nặng nề.

Tuy nhiên, được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của ngành nông nghiệp cũng như sự nỗ lực của chính người dân nên nhiều diện tích cây thảo quả hiện đã phục hồi, với tỷ lệ sống đạt 70% đến 80%, mang lại hy vọng cây thảo quả sẽ tiếp tục đem lại hiệu quả kinh tế, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc.

Gia đình ông Giàng A Giàng ở bản Tà Chơ, xã Cao Phạ là một trong những hộ có nhiều diện tích thảo quả. Với hơn 6.000 gốc thảo quả trên 7 năm tuổi, mỗi năm vườn thảo quả mang lại cho gia đình ông Giàng thu nhập trên 300 triệu đồng.

Tuy nhiên, những trận rét đậm, rét hại kéo theo băng tuyết đầu năm 2016 đã khiến toàn bộ diện tích thảo quả của gia đình ông bị thiệt hại nặng nề. Nhiều cây bị đổ, bị chết do băng tuyết đã khiến gia đình ông mất đi nguồn thu đáng kể.

Được sự hướng dẫn của đội ngũ cán bộ khuyến nông về kỹ thuật phục hồi cây thảo quả sau khi bị ảnh hưởng bởi băng tuyết, gia đình ông Giàng cũng như nhiều gia đình khác có trồng thảo quả trong bản Tà Chơ đã tích cực chăm sóc vườn cây. Sau hơn một năm, diện tích thảo quả của gia đình nhà ông Giàng và các hộ dân bản Tà Chơ đã cơ bản được phục hồi.

Ông Giàng A Giàng cho biết, ngoài lúa thì thảo quả là cây mang lại thu nhập chính cho các gia đình đồng bào Mông ở vùng cao nơi đây. Hiện cây thảo quả đã được phục hồi trở lại. Một số cây đã ra quả. Gia đình ông và các hộ khác đều hy vọng, thảo quả sống được sẽ tiếp tục cho người dân có thêm nguồn thu nhập để xóa đói, giảm nghèo.

Đối với người dân ở vùng cao huyện Mù Cang Chải - nơi có địa hình đồi núi dốc và ít ruộng nước, từ nhiều năm nay, cây thảo quả đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, thậm chí còn giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. Để trồng được mỗi ha thảo quả và đến kỳ thu hoạch, người dân phải mất từ 5 đến 7 năm trồng, chăm sóc và bảo vệ.

Xã Cao Phạ (huyện Mù Cang Chải) có diện tích thảo quả khoảng 450 ha. Đến nay, nhờ sự hỗ trợ và vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, chính quyền địa phương, phần lớn diện tích thảo quả của người dân xã Cao Phạ đang phục hồi tốt.

Ông Tô Văn Học, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) cho biết, được các cơ quan chuyên môn của huyện quan tâm, xã đã hướng dẫn người dân chăm sóc và bảo vệ diện tích thảo quả bị thiệt hại do trận mưa tuyết, sương muối năm 2016.

Cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo cán bộ các thôn bản, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Đến nay, cơ bản diện tích thảo quả đã sinh trưởng, phát triển tốt. Mặc dù chưa cho thu hoạch nhưng được đánh giá là khả quan và khoảng 1 đến 2 năm tới sẽ cho kết quả thu hoạch sản phẩm ổn định lại.

Theo báo cáo của huyện Mù Cang Chải, sau đợt rét đậm, rét hại kéo theo tình trạng băng tuyết xuất hiện, toàn huyện đã có trên 1.400 ha cây thảo quả của người dân ở các xã trong huyện bị chết, ước tính thiệt hại khoảng trên 210 tỷ đồng. Đây là một thiệt hại lớn đối với người dân vùng cao hiện còn khó khăn.

Để phục hồi lại phần nào diện tích thảo quả, huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức đi kiểm tra; đồng thời, tổ chức hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc thảo quả. Đến nay, qua đánh giá, đã có 70 đến 80% diện tích thảo quả đã phục hồi.

Ông Vũ Tiến Đức, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn, vận động nhân dân các xã từng bước khôi phục lại diện tích thảo quả bị thiệt hại. Theo đó, hướng dẫn người dân chặt bỏ những cây, những gốc bị gãy đổ, có biện pháp chăm sóc, vun xới, phục hồi lại mầm hiện tại ở những gốc đang phát triển.

Đối với những gốc, diện tích bị chết, không có khả năng phục hồi, huyện Mù Cang Chải đã hướng dẫn người dân trồng thay thế. Trong thời gian tới, huyện Mù Cang Chải sẽ đưa vào đề án quản lý cây thảo quả và sơn tra gắn với phát triển kinh tế đồi rừng. Để đảm bảo tính bền vững, huyện sẽ không mở mới diện tích thảo quả nữa mà sẽ duy trì diện tích hiện có.

Với những hiệu quả kinh tế mang lại, cây thảo quả đã thực sự trở thành cây kinh tế mũi nhọn của người dân vùng cao, góp phần làm tốt công tác bảo vệ rừng. Những diện tích thảo quả được phục hồi nhanh sẽ góp phần cho người dân vùng cao Mù Cang Chải có thêm nguồn thu nhập trong những năm tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục