Tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên vẫn chậm tiến độ

10:46' - 16/03/2017
BNEWS Theo đánh giá của các đơn vị chức năng cũng như Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tiến độ trồng tái canh cà phê của các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai vẫn còn chậm.
Tái canh cây cà phê ở Tây nguyên vẫn chậm tiến độ. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh trọng điểm cây cà phê của Tây Nguyên hiện đã trồng tái canh được 77.418 ha cà phê; trong đó, tỉnh Lâm Đồng dẫn đầu với 43.625 ha, tiếp đến là Đắk Lắk 19.125 ha…

Phần lớn các nông hộ thực hiện trồng tái canh cà phê đều thực hiện đúng quy trình từ khâu chuẩn bị đất đến chọn giống, kỹ thuật trồng...

Nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên cũng đã đưa nhiều giống mới như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9… vào trồng đại trà; đồng thời, tiến hành trồng cây che bóng, chắn gió ngay từ đầu để cây cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các đơn vị chức năng cũng như Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tiến độ trồng tái canh cà phê của các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai vẫn còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu là các nông hộ thiếu vốn để đầu tư trồng tái canh, khó tiếp cận với nguồn vốn vay của ngân hàng.

Mặt khác, trong những năm gần đây, giá cà phê lên xuống thất thường ảnh hưởng đến thu nhập và tâm lý của người trồng nên nhiều hộ nhổ bỏ cây cà phê chuyển sang trồng tiêu, bơ, sầu riêng để có giá trị kinh tế cao hơn…

Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị cấp uỷ, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo ngành chức năng, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội… tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương này cùng cơ chế hỗ trợ, quy trình kỹ thuật tái canh, cải tạo giống để người dân hiểu rõ ý nghĩa của chương trình.

Các tỉnh Tây Nguyên cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản trên đất là vườn cà phê để các nông hộ có đủ điều kiện thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng - Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu.

Cùng đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần cải tiến quy trình kỹ thuật linh hoạt, thực tế hơn khi cho các nông hộ vay đầu tư trồng tái canh cà phê. Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm trình Chính phủ xem xét, phê duyệt hỗ trợ 50% lãi suất cho khách hàng trong thời gian ân hạn; đồng thời, nâng mức đầu tư cấp tín dụng lên cao hơn đáp ứng nhu cầu của các nông hộ vay tái canh cây cà phê từ 180 triệu đồng đến 200 triệu đồng/ha…

Các tỉnh Tây Nguyên hiện có 576.800 ha cà phê. Theo kế hoạch từ năm 2014 đến năm 2020, các tỉnh này thực hiện tái canh khoảng 120.000 ha; trong đó, trồng tái canh 90.000 ha và ghép cải tạo 30.000 ha./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục