Đồng Nai cảnh báo người dân không chặt bỏ vườn tiêu bán rễ cho thương lái

16:32' - 07/05/2018
BNEWS Gần đây một số nhóm thương lái người nước ngoài đến các vùng trồng tiêu tại Xuân Lộc (Đồng Nai) đặt mua rễ cây tiêu với giá cao. Một số người thấy lợi trước mắt đã chặt bỏ vườn tiêu để lấy rễ bán.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cảnh báo, việc thu mua rễ cây tiêu với mục đích không rõ ràng và có dấu hiệu bất thường, có nguy cơ gây nên tình trạng người dân chặt phá vườn tiêu để lấy rễ, đào trộm rễ tiêu để bán. Bên cạnh đó, việc làm này còn có nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại đến sản xuất trồng trọt, ảnh hưởng đến trật tự an ninh nông thôn.

Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai vừa có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tuyên truyền cho người dân biết việc thương lái mua thân và rễ cây hồ tiêu để băm, xay thành bột trộn với tiêu xay gia vị là rất nguy hiểm cho sức khỏe con người vì còn tồn dư lưu lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trước đó, làm ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam.

Vận động người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, đồng thời báo với chính quyền gần nhất nếu phát hiện tổ chức hoặc cá nhân liên kết giao dịch với người nước ngoài có hành vi thu mua gốc rễ tiêu khô tại địa bàn để có biện pháp ngăn chặn và xử lý theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn người dân tự xử lý thân, gốc rễ tiêu đã chết, gom đốt để hạn chế dịch bệnh.

Mới đây, UBND xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) phát hiện 4 thương lái mua rễ tiêu của các hộ dân với giá 20.000 đồng/kg dạng tươi và 80.000 đồng/kg dạng khô, sau đó bán lại cho Công ty Xuất nhập khẩu A.N.

Làm việc với lãnh đạo UBND xã Xuân Thọ, đại diện doanh nghiệp này này cho hay, việc mua rễ tiêu là để bán cho thương lái Trung Quốc về làm thuốc.

Một cán bộ nông nghiệp huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết, chiêu thức của những thương lái nước ngoài thu gom các bộ phận cây trồng như rễ tiêu hay lá điều… là ban đầu họ mua một số lượng lớn hàng với giá cao, sau đó tiếp tục tung tin đẩy giá cao hơn nữa để tạo “sốt” ảo. Những thương lái nước ngoài này tiếp tục đặt mua các cơ sở thu gom tại địa phương với giá gấp 2 đến 3 lần giá ban đầu.

Sau khi “đẩy” được giá lên cao, thương lái nước ngoài quay lại dùng số hàng mình đã mua trước đó rồi bán lại cho các cơ sở thu mua ở địa phương với giá cao hơn đến 2, 3 lần. Với chiêu thức này, thương lái nước ngoài đã kiếm được một khoản chênh lệch lớn và sau đó rút lui.

Đối tượng chịu thiệt hại trong việc mua bán các bộ phận cây trồng này lại chính là các cơ sở thu mua ở địa phương vì ôm một số lượng lớn hàng nhưng khi thương lái ngừng mua thì không bán được cho ai. Người nông dân vì hám lợi trước mắt mà chặt bỏ vườn cây, ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài./.

>>> Nông dân ở Tây Nguyên được khuyến cáo không mở rộng diện tích vườn tiêu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục