Đồng Nai sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư khi TPP có hiệu lực

13:46' - 20/12/2015
BNEWS Khi Hiệp định TPP được ký kết, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng mạnh. Ðồng Nai đã xây dựng chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng và nông nghiệp đón đầu dòng vốn này.

Từ chối dự án công nghệ lạc hậu

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh năm 2015 sẽ vào khoảng trên 2,4 tỷ USD, tăng gấp 2,5 lần so với kế hoạch đề ra.

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, Ðồng Nai chú trọng kêu gọi các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ; đồng thời, ban hành danh mục dự án thuộc ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư…

Thực tế, cùng với ưu tiên thu hút những dự án có công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tỉnh đã từ chối không ít dự án vì có công nghệ lạc hậu, nhiều chất thải, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Chủ trương thu hút của tỉnh được công khai rõ ràng, được phổ biến đến các nhà đầu tư ngay từ khi đến tìm hiểu. Ảnh minh họa. Nguồn: Danh Lam/TTXVN

Chủ trương thu hút của tỉnh được công khai rõ ràng, được phổ biến đến các nhà đầu tư ngay từ khi đến tìm hiểu.

Do đó, không chỉ năm 2015 mà khoảng 3 năm trở lại đây, các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh hầu hết đều có máy móc, công nghệ đáp ứng yêu cầu và thuộc những lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên thu hút đầu tư.

Trong năm 2015, tỉnh đã thu hút được 28 dự án công nghiệp hỗ trợ có vốn đầu tư từ 10 triệu USD trở lên, đặc biệt dự án chuyên sản xuất các loại sợi, vải của Công ty TNHH Hyosung Ðồng Nai, thuộc Tập đoàn Hyosung Hàn Quốc có vốn đăng ký lên đến 660 triệu USD; Công ty TNHH YKK Việt Nam cũng mở rộng quy mô nhà máy sản xuất dây kéo khóa các loại tại KCN Nhơn Trạch III với mức vốn lên đến vài trăm triệu USD.

Các dự án trên đã đóng góp lớn vào kết quả thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh năm 2015 và sẽ giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai, cho biết tại các KCN trên địa bàn tỉnh, định mức về vốn đầu tư của doanh nghiệp trong xây dựng nhà xưởng, máy móc sản xuất... hiện đạt khoảng 7 triệu USD/ha, cao hơn 3 triệu USD/ha và cao gấp gần 2 lần so với bình quân chung của cả nước.

Nhiều dự án triển khai nhanh hơn nhiều so với những năm trước, cá biệt có những dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ 4-5 tháng sau đã xây dựng xong nhà xưởng và đi vào sản xuất.

Theo đúng mục tiêu thu hút đầu tư của tỉnh, những dự án đầu tư mới trong các KCN thường có công nghệ cao, cần ít lao động, nhưng lao động phải có tay nghề cao.

Theo đó, cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” được phát huy tích cực tại các cơ quan trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại Ban quản lý các KCN tỉnh đã rút ngắn được thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là trong công tác cấp giấy chứng nhận đầu tư. Thậm chí, có những dự án được cấp phép chỉ trong vòng 24 giờ.

Từ đầu năm đến nay đã có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã đến Đồng Nai đầu tư, bên cạnh những nhà đầu tư trước đó hầu hết đều làm ăn hiệu quả và mở rộng sản xuất gấp nhiều lần so với quy mô ban đầu như: Formosa, Hyosung, Changshin, Pouchen, CP, Mabuchi Motor, Fujitsu, Kenda, TaeKwang, CJ...

2016, thu hút 1 tỷ USD

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, năm 2016 dự kiến thu hút vốn FDI khoảng 1 tỷ USD; trong đó vốn thu hút mới là 500 triệu USD, tăng vốn mở rộng khoảng 500 triệu USD. Đối với vốn trong nước thu hút khoảng 2.000 tỷ đồng, thu hút đầu tư mới là 1.500 tỷ đồng và tăng vốn 500 tỷ đồng.

Ông Cao Tiến Sỹ cho biết, năm 2016, khi Hiệp định TPP được ký kết, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng mạnh. Ðón đầu cơ hội này, Ðồng Nai đã xây dựng chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng và nông nghiệp để ngày càng thu hút được nhiều các dự án FDI.

Theo định hướng, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chủ lực có lợi thế so sánh, tập trung vào sử dụng các nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhất là nguyên liệu từ nông nghiệp; hướng đầu tư vào các dự án sản xuất có trình độ công nghệ cao, không gây ô nhiễm và sử dụng ít lao động.

Đồng Nai định hướng thu hút các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm năng về công nghệ. Trong ảnh: Công ty Bosch (Đức) đóng tại khu công nghiệp Long Thành (Đồng Nai). Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN

Tỉnh thu hút các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm năng về công nghệ, tài chính để đầu tư vào những ngành kỹ thuật có giá trị gia tăng cao như: máy móc thiết bị điện - điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, vật liệu mới; ngành công nghiệp phụ trợ sẽ tiếp tục được chú ý phát triển để tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm sản xuất trong nước…

Ông Masami Yamamoto, Chủ tịch Tập đoàn Fujitsu Nhật Bản, cho biết: “Ban đầu Fujitsu đầu tư vào Đồng Nai gần 78 triệu USD để làm nhà máy lắp ráp mạch in điện tử. Nhưng đến nay, tập đoàn đã nâng vốn đầu tư tại Đồng Nai lên gần 200 triệu USD mở rộng sang lĩnh vực thiết kế và sản xuất bản mạch in điện tử.

Đầu năm 2015, Fujitsu còn liên kết với Tập đoàn Mitani Sangyo Nhật Bản thành lập công ty chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa khuôn đúc, vi mạch điện tử”. Tại khu vực phía Nam, Tập đoàn Fujitsu chọn Đồng Nai để mở rộng sản xuất với mục tiêu đón đầu Cộng đồng kinh tế ASEAN và các FTA.

Theo ông Cao Tiến Sỹ, Ðồng Nai cũng đã quy hoạch rõ từng vùng, khu trên địa bàn dành cho từng ngành nghề khác nhau để hài hòa nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực; rà soát nâng cao hiệu quả các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; thực hiện đổi mới đầu tư KCN theo mô hình phát triển xanh và khép kín.

Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Ðồng Nai luôn nhất quán với phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giải quyết tốt các dịch vụ phục vụ doanh nghiệp và công nhân, chú trọng bảo vệ an toàn cho doanh nhân, tạo lập một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh.

Ðồng thời, tăng cường cải tiến thủ tục hành chính và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe phản ánh những khó khăn vướng mắc và chỉ đạo giải quyết kịp thời để các doanh nghiệp an tâm đầu tư phát triển./.      

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục