Hơn 3 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Bình Dương

17:30' - 11/12/2015
BNEWS Bình Dương vừa cấp phép thêm cho doanh nghiệp FDI đầu tư gần 300 triệu USD trong tháng 12/2015, nâng tổng số vốn thu hút vượt mức 3 tỷ USD.
Tập đoàn Cheng Loong vừa được cấp giấy phép vào Bình Dương với tổng vốn đầu tư lên đến 22.775 tỷ đồng. Ảnh: TTXVN

Ngày 11/12, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh vừa cấp phép thêm cho doanh nghiệp FDI đầu tư gần 300 triệu USD trong tháng 12/2015, nâng tổng số vốn thu hút vượt mức 3 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với kế hoạch thu hút 1 tỷ USD.

Điển hình, một trong các dự án lớn nhất năm với vốn đầu tư 1 tỷ USD của Tập đoàn Cheng Loong (Đài Loan) vừa cấp giấy phép vào Bình Dương với tổng vốn đầu tư lên đến 22.775 tỷ đồng.

Dự án đặt tại Khu công nghiệp Singapore Ascendas-Protrade (xã An Tây, thị xã Bến Cát) thuê đất trên diện tích 75 ha để sản xuất 1 triệu tấn giấy công nghiệp/năm và 50.000 tấn giấy tiêu dùng. Hiện dự án đã giải ngân vốn giai đoạn một để kịp khởi công xây dựng nhà máy trong tháng 12/2015 này.

Theo đánh giá của ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, tỉnh đã có sự chuẩn bị về cơ chế chính sách, đầu tư mạnh hạ tầng khu công nghiệp, hệ thống giao thông hoàn chỉnh, nhờ đó đã mời gọi các dự án có vốn đầu tư nước ngoài và trong nước ngày càng quan tâm đầu tư vào tỉnh.

Đặc biệt, trong thời gian qua, vốn FDI đã và đang xúc tiến tăng mạnh vốn đầu tư nước ngoài vào địa bàn. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thu hút hơn 23 tỷ USD, Bình Dương là một trong 5 tỉnh, thành đứng đầu cả nước có số vốn FDI vượt mức hơn 20 tỷ USD.

Bí thư tỉnh Bình Dương cho rằng, thời gian tới sau khi Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút nguồn vốn FDI với nhu cầu có chọn lọc; trong đó, ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ hiện đại, có chất xám và giá trị sản xuất kinh tế cao; các dự án không ảnh hưởng đến môi trường, ít thâm dụng lao động…

Để đón đầu dòng vốn FDI mới, Bình Dương đang thành lập quy hoạch lên đến 35 khu công nghiệp tập trung và hàng chục cụm công nghiệp tại các huyện, thị nông thôn mới để chuyên dịch công nghiệp tại các địa bàn vốn phát triển nông nghiệp; trong đó, thành lập các khu công nghiệp ưu tiên thu hút các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ để giảm dần lệ thuộc nhập khẩu nguyên liệu các các mặt hàng nằm trong chiến lược ký kết TPP như dệt may, da giày...

Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa và công nghiệp hóa đã vượt 76%. Theo đó trong 5 năm tới, Bình Dương đưa ra chiến lược sẽ đạt về đích Công nghiệp hóa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục