Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Cần giải quyết bài toán kép

18:37' - 21/05/2018
BNEWS Đối với đơn vị hành chính đặc biệt, phải dung hoà được việc quản lý hành chính với việc giao đặc quyền cao cho đơn vị hành chính này có điều kiện tự chủ cao, tự quyết trong việc thu hút đầu tư.
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng. Ảnh: Toàn Trung/BNEWS/TTXVN

Liên quan đến dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp lần này, phóng viên BNEWS/TTXVN đã ghi lại những ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề này bên lề cuộc họp chiều 21/5.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Đoàn Vĩnh Long): Cần giải bài toán kép

Đại biểu Thắng cho rằng, đối với các đặc khu kinh tế cần phải giải quyết bài toán kép. Với hệ thống quản lý hiện nay thì quản lý hành chính theo chiều dọc rất chặt chẽ, có cấp trung ương, tỉnh thành, quận huyện. Tuy nhiên, đối với đơn vị hành chính đặc biệt lại đòi hỏi phải có sự cởi mở, chính sách đặc thù, đơn vị quản lý phải có thẩm quyền cao, chủ động thu hút đầu tư...

Như vậy, đối với đơn vị hành chính đặc biệt, phải làm sao dung hoà được việc quản lý hành chính hiện nay với việc giao đặc quyền cao cho đơn vị hành chính này có điều kiện tự chủ cao, tự quyết trong việc thu hút đầu tư. Đây là một bài toán cần phải cân nhắc trong quá trình trao đổi để thông qua dự án Luật này.

“Rõ ràng, ở đây mục tiêu của chúng ta thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Mà đối với doanh nghiệp thì đương nhiên là yếu tố lợi nhuận, do đó làm sao phải tạo được cơ chế thông thoáng, để thu hút đc các nhà đầu tư; đồng thời phải đảm bảo được mặt quản lý nhà nước.

Với điều kiện phát triển kinh tế xã hội như hiện nay, thực tế còn nhiều điểm phải lưu ý trong cải cách bộ máy quản lý nhà nước. Nếu không giải quyết được bài toán này thì sẽ có những hệ quả khác mà chúng ta phải giải quyết, kể cả về mặt quản lý xã hội lẫn kinh tế”, đại biểu Phạm Tất Thắng cho hay.

Cũng theo đại biểu Phạm Tất Thắng, trong thực tế đã có những lúng túng về mô hình mới này. Vấn đề là làm sao có những thay đổi về cơ chế hành chính để tạo thuận lợi trong việc thu hút đầu tư nhưng vẫn phải đảm bảo được quản lý nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Toàn Trung/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Cần tập trung nhiều hơn về khía cạnh hành chính đặc biệt hơn là kinh tế

Đánh giá về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định, trong bối cảnh hiện nay tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong vòng 30 năm vừa qua đã để lại những bài học cần được quan tâm. Bởi Việt Nam đang thực hiện định hướng lại việc thu hút vốn FDI.

Mặc dù trong 30 năm qua, Việt Nam thu hút vốn FDI rất lớn và nguồn vốn này đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, nguồn vốn FDI đã đóng góp trên 20% GDP, 24% tổng số nguồn vốn đầu tư toàn xã hội và 72% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn thấy việc hỗ trợ để chuyển giao công nghệ, phát triển công nghệ hỗ trợ trong nước từ khu vực này còn nhiều hạn chế.

Do đó, khi có Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với định hướng tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, do vậy cần phải cân nhắc lại nên thu hút FDI vào lĩnh vực nào. Cụ thể như mình có cần phải có casino hay không?...hay phải tính toán lại làm sao việc thu hút đầu tư nước ngoài theo định hướng xanh sạch.

Định hướng xanh ở đây được hiểu là phải ưu tiên về vấn đề bảo vệ môi trường. Sạch ở đây, được hiểu là doanh nghiệp đầu tư đó phải có một lý lịch trong sạch. Điều này được thể hiện qua các vấn đề về đóng thuế, doanh nghiệp này có chuyển giá hay không? Hay doanh nghiệp này làm ăn có lành mạnh hay không?… và vấn đề mấu chốt là phải ưu tiên về chất lượng, tức vấn đề về công nghệ cao. Một yếu tố quan trọng khác là tính lan tỏa. Tức là phải gắn với sự phát triển ở trong nước.

Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cần chú ý tập trung nhiều hơn về khía cạnh hành chính đặc biệt hơn là kinh tế. Bởi hiện nay Việt Nam đã có nhiều các khu kinh tế, đặc biệt là khu kinh tế ven biển. Do đó khi thực hiện thí điểm thì vấn đề hành chính cần phải gọn nhẹ, hiệu quả. Như vậy mới tiết kiệm được các khoản chi, với thể chế gọn nhẹ thì sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân mong muốn Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ giúp tạo ra một thí điểm về hành chính đặc biệt từ đó nhân rộng ra cả nước hơn là kinh tế đặc biệt.

"Khi ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chúng ta mong muốn có thêm các cực để phát triển, mong muốn có thêm những đầu tàu ở từng lĩnh vực để từ đó tạo ra những cực tăng trưởng giúp kih tế đất nước có sự phát triển bền vững", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục