Dự án VnSAT cần mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân

18:48' - 17/04/2018
BNEWS Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng, dự án ODA trong nông nghiệp lớn nhất của thành phố từ trước đến nay cần phải thực hiện hiệu quả.
Dự án VnSAT cần mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp của Ban Quản lý Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” (VnSAT) thành phố Cần Thơ tổ chức ngày 17/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng đây là dự án ODA trong nông nghiệp lớn nhất của thành phố từ trước đến nay nên cần phải thực hiện sao cho có hiệu quả nhất, cái gì có lợi cho nông dân thì phải làm.

Theo ông Đào Anh Dũng, dự án VnSAT triển khai được gần nửa đoạn đường, các bước chuẩn bị cho dự án đã thực hiện xong, do đó đến năm 2020 phải hoàn thành theo đúng mục tiêu của dự án.

Ông Đào Anh Dũng cho biết, Cần Thơ được phân bổ nguồn kinh phí khoảng 210 tỷ đồng từ dự án. Số tiền này chủ yếu được dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng cho các tổ chức nông dân, hợp tác xã. Trong đó, chi phí đầu tư cho các trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất khoảng 90 tỷ đồng.

Năm 2018, 13 tỉnh, thành trong dự án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ kinh phí khoảng 650 tỷ đồng và Cần Thơ là địa phương được bố trí vốn nhiều nhất với 60 tỷ đồng, đồng thời Cần Thơ cũng bố trí 15 tỷ đồng vốn đối ứng cho dự án.

Ông Đào Anh Dũng cho rằng, 2018 là năm mà dự án tập trung nguồn lực để đầu tư thông qua việc bố trí kinh phí lớn sau hai năm đầu chỉ tập trung cho công tác truyền thông về dự án. Lãnh đạo thành phố Cần Thơ cũng cho biết, Bộ muốn thành phố sử dụng hết nguồn vốn được phân bổ để triển khai kế hoạch đã đề ra. Do đó, ông Dũng đề nghị Ban Quản lý dự án VnSAT của Cần Thơ cần nghiên cứu để thực hiện một cách hiệu quả, đầu tư thêm cho nông dân.

Sau 2 năm thực hiện Dự án VnSAT, thành phố Cần Thơ đã có 27.650 hộ nông dân tham gia với tổng diện tích gần 33.000 ha.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, tính đến tháng 4/2018, Ban Quản lý dự án VnSAT Cần Thơ đã đào tạo 550 lớp kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” với hơn 24.300 lượt nông dân tham dự trên diện tích 31.052 ha.

Bà Hiếu cho biết, sau khi được tập huấn, nông dân đã bước đầu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật được học vào trong sản xuất. Trong đó, áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” đã giúp nông dân giảm được chi phí sản xuất 4 triệu đồng/ha so với sản xuất theo tập quán cũ, lợi nhuận tăng 6 triệu đồng/ha nhờ giảm được lượng giống gieo sạ, chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, dự án cũng tổ chức 19 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật của hệ thống khuyến nông và bảo vệ thực vật với 380 học viên. Ngoài ra, nông dân huyện Vĩnh Thạnh, một trong 4 quận, huyện của Cần Thơ được triển khai VnSAT còn được tham dự 5 lớp tập huấn sản xuất lúa theo quy trình VietGAP.

Hiện Cần Thơ đã có 16 hợp tác xã trong dự án tại các huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai và Cờ Đỏ. Các hợp tác xã này cũng được hỗ trợ đầu tư hạ tầng, trang thiết bị như trạm bơm điện kết hợp cống, nhà kho, lò sấy, máy sấy, máy tách hạt…với số tiền hơn 70 tỷ đồng.

Theo kế hoạch hoạt động năm 2018 của Ban Quản lý dự án VnSAT thành phố Cần Thơ, dự kiến có gần 14.000 lượt nông dân ở Cần Thơ được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, tăng thêm lợi nhuận trên mỗi ha sản xuất của hộ nông dân khoảng 20%. Dự án dự kiến đào tạo 311 lớp “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” cho nông dân. Ngoài ra, hỗ trợ hạ tầng cho 17 tổ chức nông dân, hỗ trợ thiết bị cho 6 tổ chức nông dân, hỗ trợ thiết bị chung cho 500 ha lúa của nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, sau 2 năm triển khai dự án VnSAT, tổng diện tích lúa được doanh nghiệp bao tiêu là 23.000 ha trên tổng số 50.000 ha mục tiêu của dự án, lợi nhuận tăng 14% so với chưa áp dụng. Cụ thể, các diện tích lúa tham gia dự án áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, lợi nhuận so với năm 2015 (chưa áp dụng) tại 8 tỉnh tham gia bình quân tăng 14%, từ 33,1 triệu đồng/ha lên 37,1 triệu đồng/ha.

Dự án VnSAT được kỳ vọng sẽ góp phần triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo tại khu vực được mệnh danh là “vựa lúa” của cả nước này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục