Cần Thơ quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao

12:10' - 08/04/2018
BNEWS Thành phố Cần Thơ đang xây dựng đề án quy hoạch một vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao phục vụ xuất khẩu rộng 700 ha ở huyện Phong Điền

Đề án quy hoạch một vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao phục vụ xuất khẩu rộng 700 ha ở huyện Phong Điềnđược người dân địa phương này kỳ vọng sẽ đem lại sự thay đổi lớn trong thời gian tới.

Ông Phạm Văn Lơ (ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền) đã có 17 năm kinh nghiệm trồng nhãn. Trên phần đất có diện tích 1 ha của mình, khi mới bắt đầu, ông trồng nhãn da bò. Những năm đầu, vườn nhãn đem lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông. Đây là con số không nhỏ đối với những người sống dựa vào nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long như ông Lơ.

Tuy nhiên, khoản thu nhập này bắt đầu giảm đều những năm sau đó. Khi ông Lơ quyết định phá bỏ vườn nhãn da bò để chuyển sang trồng nhãn Ido, một giống nhãn có nguồn gốc từ Thái Lan...

Hiện giờ, những gốc nhãn Ido 3 năm tuổi của gia đình đang phát triển tốt và sẽ cho lứa trái đầu tiên trong năm nay. Giá bán từ 20.000 đồng/kg, cây nhãn Ido được kỳ vọng sẽ đem lại thu nhập gấp đôi nhãn da bò - ông Lơ tự tin khẳng định.

Ngoài trồng nhãn, ông Lơ đang là tổ trưởng của Câu lạc bộ trồng nhãn Ido ở ấp Nhơn Phú 1. Câu lạc bộ này hiện có 39 thành viên với diện tích 31,5 ha; trong đó, hơn phân nửa đang cho trái.

Thông tin về đề án quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái mà thành phố Cần Thơ sắp triển khai tại huyện Phong Điền với trung tâm là xã Nhơn Nghĩa được nhiều nông dân mong đợi với kỳ vọng đem lại những thay đổi tích cực cho sản phẩm trái cây của địa phương; đóng góp nhiều cho kinh tế của huyện.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng, xây dựng vùng chuyên canh là nhằm sản xuất trái cây với số lượng lớn, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường. Khó khăn hiện nay là nếu làm được quy trình sản xuất trái cây chất lượng nhưng số lượng lại không đủ cung ứng thì cũng khó phát triển. Do đó, quy hoạch một vùng chuyên canh cây ăn trái là điều cần thiết.

Thành phố đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu về thổ nhưỡng, thị trường và các vấn đề khi triển khai mô hình để tiến hành tư vấn, lấy ý kiến của người dân. Đây phải là mô hình hiện đại, ứng dụng nông nghiệp 4.0 để sản xuất ra sản phẩm hữu cơ theo yêu cầu của thị trường thế giới - ông Dũng khẳng định.

Trước đó, trong buổi làm việc với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn về dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành nông nghiệp Việt Nam” do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ vào tháng 1 năm nay, ông Dũng cho biết trong các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của thành phố như gạo, thủy sản, trái cây thì Cần Thơ sẽ chọn trái cây để thực hiện dự án mà ADB tài trợ.

Giải thích cho sự lựa chọn này, ông Dũng cho biết, dù mỗi năm Cần Thơ sản xuất khoảng 100.000 tấn trái cây nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp lớn có thể dẫn đầu chuỗi giá trị. Do đó, nếu tham gia dự án của ADB thì trái cây sẽ là mặt hàng được địa phương này chọn để phát triển chuỗi giá trị.

Cần Thơ hiện có diện tích vườn cây ăn trái trên 17.100 ha; trong đó có 2.714 ha xoài, 1.387 ha chuối, 1.324 ha vú sữa, 1.838 ha nhãn... Thành phố dự kiến dành 700 ha quy hoạch thành vùng chuyên canh tại xã Nhơn Nghĩa - nơi người dân đang trồng nhiều loại cây ăn trái như dâu, nhãn, xoài, vú sữa, sầu riêng.

Khi được quy hoạch, sẽ chỉ có từ 1 – 2 loại cây được chọn làm chủ lực. Hiện tại, ngoài Câu lạc bộ trồng nhãn Ido của ông Phạm Văn Lơ ở ấp Nhơn Phú 1 thì nhiều nông dân xã này cũng đang chuyển sang trồng nhãn Ido và có thể được chọn để trồng chuyên canh trong mô hình. Hai loại cây cũng được đề xuất là vú sữa và sầu riêng.

Ông Lê Bá Phước - Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Cần Thơ nhận xét, việc thực hiện đề án nêu trên rất phù hợp. Phong Điền là địa phương có truyền thống trồng cây ăn trái nhiều năm qua. Từ năm 2005, huyện đã tập trung chỉ đạo khôi phục lại vườn cây ăn trái có chất lượng cao.

Từ cây truyền thống là dâu Hạ Châu đã phát triển thêm những loại cây như quýt, cam sành, vú sữa và sầu riêng. Từ cơ sở này đã góp phần cho huyện Phong Điền tăng số hộ khá, giàu, vươn lên thành huyện nông thôn mới.

Hiện Phong Điền có một số loại cây chủ lực đang có ưu thế như vú sữa. Mặc dù là loại cây nhập từ tỉnh khác về nhưng hiện tại vú sữa đang được nông dân Phong Điền áp dụng chăm sóc theo tiến bộ khoa học – kỹ thuật nên chất lượng rất tốt. Huyện đã có 2 vùng trồng vú sữa được cấp mã số đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ.

Phong Điền còn có một số vùng trồng sầu riêng, nhãn Ido, nhãn xuồng đều có hiệu quả. Do đó, việc quy hoạch lại thành từng vùng, để người dân tiếp nhận khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ vốn, đăng ký thương hiệu sản phẩm là hành động cụ thể giúp cho nông dân phát triển - ông Phước nhận xét.

Trước “điệp khúc” trồng – chặt, khi thấy loại cây nào có giá thì trồng, rớt giá thì phá bỏ trồng cây khác của nông dân trong thời gian qua, thì quy hoạch vùng chuyên canh mà Cần Thơ sắp triển khai sẽ mang lại hiệu quả tốt. Trước đây, người dân quen làm ăn tự phát, mỗi người làm một kiểu, một loại cây.

Khi được quy hoạch lại thành một khu vực, người dân tiếp cận được khoa học kỹ thuật, chủ động nguồn nước, phòng trừ sâu bệnh, được hỗ trợ giống, vốn… Khi sản xuất tập trung thì mới thuận lợi trong việc đăng ký thương hiệu cho sản phẩm, từ đầu vào cho tới đầu ra cũng sẽ dễ hơn.

Tuy nhiên, ông Phước nhận định, bước đầu hình thành vùng chuyên canh cũng sẽ gặp khó, bởi hiện tại, nông dân đang trồng mỗi người mỗi kiểu; có diện tích mới trồng, có nơi lại đang cho thu hoạch; các loại cây cũng không theo quy hoạch như dự tính. Do đó, khi tiến hành đề án có thể phải tốn công phân loại lại.

Nhóm nào đang có diện tích vườn tạp, không hiệu quả thì Nhà nước sẽ hỗ trợ cây giống và hướng dẫn trồng theo quy hoạch. Đối với những loại cây không phù hợp thì sẽ vận động người dân cải tạo lại - ông Phước đề xuất. Đây là một bước đột phá nhưng cần phải tuyên truyền, vận động lâu dài, bởi nếu làm tốt thì mô hình này sẽ đem lại hiệu quả rất cao.

Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ông Nguyễn Văn Sử cho biết, nếu được thành phố đầu tư thì 700 ha ban đầu này sẽ trở thành vùng chuyên canh trái cây chất lượng cao với mục tiêu chính là tăng nhu nhập, cải thiện đời sống cho người dân một cách bền vững./.

>>>Cần Thơ thả cá giống về tự nhiên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục