Du khách Trung Quốc – Động lực của ngành du lịch thế giới

05:30' - 24/03/2018
BNEWS Báo Jakarta Post số ra mới đây đăng bài viết của tác giả Yang Feiyue với nhận định rằng du khách Trung Quốc đang khiến cả thế giới sửng sốt bởi sự hiện diện của họ khắp toàn cầu.
Du khách Trung Quốc – Động lực của ngành du lịch thế giới. Ảnh minh họa: Lê Huy Hải/TTXVN

Báo cáo của cơ quan Quản lý Du lịch quốc gia Trung Quốc cho thấy, chỉ tính riêng trong kỳ nghỉ lễ mùa Xuân dịp Tết âm lịch vừa qua, khoảng 6,5 triệu lượt khách Trung Quốc đã du lịch đến 730 thành phố ở 68 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo báo cáo của Viện Du lịch Trung Quốc, năm 2017, người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài đạt hơn 130 triệu lượt, tăng 7% so với năm trước đó. Khu vực Đông Nam Á, với các quốc gia như Thái Lan, Singapore, Malaysia và Indonesia là các điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc.
Số liệu của Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho thấy trong năm ngoái, quốc gia này đã đón 9,8 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc. Riêng trong kỳ nghỉ mùa Xuân vừa qua, số du khách đạt 313.000 lượt, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, theo đánh giá, ngày càng có nhiều người Trung Quốc thích đi du lịch ở những nước phương Tây. Các quốc gia như Pháp, Đức, Thụy Sỹ và Italy đã chứng kiến một lượng du khách Trung Quốc gia tăng đáng kể trong thời gian vừa qua, rất nhiều người thích đi tham quan trên sông Danube và sông Rhine.
Các quốc gia trước kia từng có ít du khách người Trung Quốc như Luxembourg, Monaco và Andorra cũng ghi nhận sự gia tăng với tốc độ chóng mặt. Bên cạnh đó, các nước dọc theo các dự án trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc cũng đang được du khách nước này tích cực viếng thăm.
Theo báo cáo của công ty China UnionPay, số lượng du khách Trung Quốc đến các quốc gia như Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Campuchia đã tăng 16% trong suốt kỳ nghỉ lễ vừa qua. Theo báo cáo của Bộ Công an Trung Quốc, hiện nay có gần 129 triệu người Trung Quốc đi du lịch có hộ chiếu và con số này đang ngày càng tăng.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc, khách du lịch Trung Quốc cũng đã trở thành những người tiêu dùng hàng đầu trong những năm qua và chiếm khoảng 1/5 tổng chi tiêu của khách du lịch toàn cầu. Năm 2016, khách du lịch Trung Quốc đã chi tổng cộng 261 tỷ USD, tăng hơn 11 tỷ USD so với năm 2015. Du khách người Mỹ đứng vị trí thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc, song mức chi tiêu của họ chỉ bằng một nửa so với người Trung Quốc.
Riêng trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, du khách Trung Quốc đã chi 541,4 triệu USD, tăng 34,3% so với năm trước.
Theo báo cáo của China UnionPay, khách du lịch người Trung Quốc cũng đang có xu hướng chi nhiều hơn cho các hoạt động vui chơi giải trí trong các dịp đi du lịch ở nước ngoài. Cụ thể, chi tiêu cho nhu cầu giải trí ở châu Âu của du khách Trung Quốc đã tăng hơn 20% so với năm trước trong kỳ nghỉ lễ vừa rồi.
Zhang Yuhong, một quan chức của Trung tâm dịch vụ lữ hành Trung Quốc, cho biết du khách Trung Quốc đang gia tăng việc chi tiêu cho các dịch vụ vui chơi, giải trí, du lịch chữa bệnh… thay vì chỉ tập trung vào thăm quan và mua sắm hàng hiệu như trước kia.
Sự bùng nổ của khách du lịch người Trung Quốc đã thúc đẩy các quốc gia, nơi thu hút nhiều du khách Trung Quốc, quan tâm đến việc cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường đào tạo ngôn ngữ tiếng Trung cũng như các loại hình dịch vụ phù hợp đối với họ.
Ví dụ, thành phố Dubai của UAE đã triển khai chương trình China Ready của mình, nơi có các dịch vụ bằng tiếng Trung ở các nhà hàng, khách sạn địa phương và các điểm tham quan nhằm tạo ra sự hấp dẫn, gần gũi đối với du khách Trung Quốc.
Thành phố này đã đón nhận 764.000 du khách Trung Quốc trong năm ngoái, tăng 41% so với năm 2016 sau khi áp dụng việc cung cấp thị thực miễn phí đối với khách du lịch người Trung Quốc.
Indonesia cũng có những chính sách tương tự để tích cực thu hút du khách Trung Quốc, điển hình là chính sách “10 đảo Bali”, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng du lịch kéo dài từ Sumatra ở phía Tây đến vùng Maluku ở phía Đông.
Thêm vào đó, một số nước Đông Nam Á dự định dành hơn 100 tỷ USD để xây dựng các sân bay, đường sắt, khách sạn và công viên giải trí để tăng cường cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng “làn sóng” khách du lịch Trung Quốc, theo báo Lianhe Zaobao ở Singapore.
Thái Lan có kế hoạch hợp tác với đối tác Nhật Bản để xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc kết nối Bangkok và Chiang Mai, trong khi Malaysia muốn xây dựng tuyến đường sắt để thúc đẩy phát triển du lịch dọc theo bờ biển phía Đông của nước này.
Nhật Bản giờ đây không chỉ có các tour tham quan cho khách du lịch người Trung Quốc mà còn tập trung vào phát triển các dịch vụ hướng dẫn mua sắm trực tuyến hiện đại tại các điểm tham quan cho họ. Hơn 40.000 cửa hàng của Nhật Bản, bao gồm Lawson và Don Quijote có hỗ trợ phương thức thanh toán trực tuyến được du khách Trung Quốc ưa thích.
Ở châu Âu, Italy đặt bảng hiệu bằng tiếng Trung Quốc tại các sân bay và nhà ga chính. Quốc gia này đã phát triển các điểm tham quan du lịch theo các chủ đề như đám cưới hay thể thao để phù hợp với thị hiếu người Trung Quốc.
Li Xinjian, người đứng đầu Viện quản lý du lịch của Đại học Quốc tế Bắc Kinh, cho rằng xu hướng du lịch nước ngoài của người Trung Quốc đã trở thành một động lực mạnh mẽ cho ngành du lịch thế giới và đóng vai trò tích cực trong việc cải thiện việc làm và tiềm năng kinh tế của các nước có đông du khách Trung Quốc.
Shi Peihua, quan chức của một cơ quan du lịch của Trung Quốc, nhận định với chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc, việc đi du lịch nước ngoài của người Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục