Du lịch Việt Nam 2015: Những điểm sáng trong giai đoạn khó khăn

16:49' - 29/12/2015
BNEWS Ngành du lịch Việt Nam đã có một năm đầy khó khăn nhưng không hẳn là không có những điểm sáng từ một số điểm du lịch trong nước.

Năm 2015 vẫn là một năm đầy khó khăn với du lịch Việt Nam khi đà sụt giảm khách quốc tế từ năm 2014 tiếp tục kéo dài tới 13 tháng. Phải đến quý IV của năm nay đà sụt giảm mới dừng và khách quốc tế tăng trưởng dương trở lại.

Một năm đầy khó khăn với du lịch Việt Nam khi đà sụt giảm khách quốc tế. Ảnh: TTXVN

Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng toàn ngành du lịch vẫn nỗ lực vượt qua, xuất hiện những điểm sáng, đem lại sinh khí mới cho ngành du lịch nước nhà.

* Đà Nẵng: điểm sáng mới trên bản đồ du lịch

11 tháng đầu năm 2015, Đà Nẵng đón hơn 4,3 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, trong đó có hơn 1,1 triệu lượt khách quốc tế. Đây là năm đầu tiên Đà Nẵng đạt và vượt mốc đón 1 triệu lượt khách quốc tế. Đến hết năm nay, lượng khách quốc tế đến đây đạt khoảng 1,25 triệu lượt, tăng 30,8% so với cùng kì năm ngoái.

Điều đó cho thấy sức hút của du lịch Đà Nẵng đang ngày càng lớn. Sang năm 2016, du lịch Đà Nẵng phấn đấu đón tổng lượt khách du lịch đạt 5,14 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt trên 1,3 triệu lượt và tổng thu nhập xã hội từ du lịch đạt 14.920 tỷ đồng.

Đà Nẵng cũng đã cam kết sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ trong thời gian tới để làm hài lòng du khách trong nước, quốc tế, xứng đáng là điểm đến mới nổi trên bản đồ du lịch thế giới.

Khu du lịch Bà Nà Hills, Đà Nẵng. Ảnh: vietnamtourism.com

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Cách đây 15 năm, Đà Nẵng chưa hề được biết đến như một điểm đến du lịch. Nhưng trong 15 năm qua, Đà Nẵng đã hết sức nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, thành công về phát triển đô thị và đặc biệt là thành công trong phát triển du lịch.

Đến thời điểm này, Đà Nẵng đã trở thành một thương hiệu du lịch hấp dẫn của khu vực miền Trung, mang lại niềm tự hào cho ngành du lịch Việt Nam...

Ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, có được thành công như hôm nay, trong những năm qua, Đà Nẵng đã giải quyết thành công, hài hòa các mối quan hệ. Chính quyền địa phương đã có tầm nhìn trong quy hoạch, phát triển hạ tầng đảm bảo phát triển bền vững; có các chính sách hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. Chính quyền địa phương cũng đã tạo ra được sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch, ủng hộ chính sách phát triển du lịch bền vững của địa phương.

Ở nơi đây, vào thời gian cao điểm khách du lịch, chính quyền phát động và người dân rất ủng hộ việc mở rộng cửa đón khách du lịch, tạo cảm giác thoải mái nhất cho du khách khi đến Đà Nẵng.

Điều này phản ánh thái độ thân thiện, ý thức trách nhiệm của người dân thành phố này đối với phát triển của ngành du lịch. Tạo điều kiện cho du lịch phát triển thì người dân Đà Nẵng cũng được hưởng lợi, đó là việc làm, thu nhập, sự hưởng lợi các giá trị văn hóa, tinh thần… từ du lịch.

Cầu Rồng phun lửa thu hút được đông đảo du khách. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Mặt khác, Đà Nẵng đã thu hút được nhiều những nhà đầu tư chiến lược, mạnh tay đầu tư vào Đà Nẵng, tạo diện mạo mới cho vùng đất này không chỉ ở cơ sở vật chất mà còn là hình ảnh, sản phẩm du lịch.

Đến thời điểm này, Đà Nẵng vừa có sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển với chuỗi khách sạn và resort 5 sao, vừa có sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng núi, sản phẩm giải trí biển, các làng nghề, trung tâm thương mại và hoạt động dịch vụ. Hàng loạt thương hiệu lớn trên thế đều đã xuất hiện tại Đà Nẵng.

Điều đặc biệt làm nên thành công của du lịch Đà Nẵng đó chính là họ đã thành công trong việc kết nối ngay trong địa phương mình và với các đô thị khác như Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam), Huế (Thừa Thiên - Huế), Quảng Bình để nối dài, làm phong phú thêm các dòng sản phẩm...

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng: Năm 2016, tại Đà Nẵng diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, đặc biệt là Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (ABG-5). Năm tới, thành phố dự kiến sẽ đón 5,14 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt trên 1,3 triệu lượt và tổng thu nhập xã hội từ du lịch đạt 14.920 tỷ đồng.

* Dòng đầu tư chiến lược

Thời gian vừa qua, ngành du lịch đã chứng kiến sự đầu tư bứt phá của các nhà đầu tư chiến lược như VinGroup, SunGroup, Mường Thanh, FLC… vào những địa bàn du lịch trọng điểm. Điều này đã tạo nên một diện mạo mới, chất lượng dịch vụ mang đẳng cấp quốc tế cho du lịch nước nhà.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn khẳng định sẽ tích cực tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược mở rộng đầu tư vào nhiều địa phương khác.

Báo cáo của Tổng cục Du lịch về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam mới đây đã chỉ rõ: Giai đoạn 2011-2015 đánh dấu sự thay đổi về chất lượng công tác đầu tư phát triển du lịch.

Hiện tại có khoảng trên 1000 dự án du lịch với nguồn vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng được các nhà đầu tư trong nước đầu tư với qui mô khác nhau, trong đó chủ yếu là đầu tư các khu du lịch ở ven biển và vùng núi.

Đáng chú ý, trong giai đoạn này đã xuất hiện nhiều dự án của một số nhà đầu tư chiến lược với vốn đầu tư khá lớn như:

Vinpearl Phú Quốc, một trong những dự án đầu tư quy mô lớn của Tập đoàn Vingroup. Ảnh: Vinpearlland.com

(17.000 tỷ đồng), cáp treo Phú Quốc (10.000 tỷ đồng); Vinpearl Quy Nhơn (4.500 tỷ đồng), Vinpearl Hạ Long (1.200 tỷ đồng), Cáp treo Bà Nà (hơn 6.000 tỷ đồng), cáp treo Mường Hoa - Phan Xi Păng (4.500 tỷ đồng)....

Các dự án đầu tư trên góp phần hình thành một số sản phẩm du lịch có thương hiệu mạnh và sức cạnh tranh cao, hấp dẫn khách du lịch.

Đến năm 2015, cả nước đã có gần 20.000 cơ sở lưu trú với hơn 419.280 buồng. Bình quân tăng trưởng số buồng khách sạn là 15,87%/năm. Như vậy, nếu so với mục tiêu 390.000 buồng của Chiến lược đặt ra thì trên thực tế đã phát triển hơn 29 nghìn buồng. Lĩnh vực khách sạn thu hút sự quan tâm lớn không chỉ của các nhà đầu tư trong nước mà còn có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.

Sự hiện diện của các tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu thế giới cùng với hệ thống khách sạn chất lượng cao của các nhà đầu tư trong nước đã được khách du lịch đánh giá cao, góp phần tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, ghi dấu đậm nét hơn hình ảnh, thương hiệu của du lịch Việt Nam.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cũng cho biết: Các địa phương cũng nỗ lực đầu tư phát triển hạ tầng tại các khu du lịch. Tuy nguồn vốn còn nhỏ nhưng có những đóng góp tích cực, tiếp tục làm tiền đề cho các dự án đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại các địa phương.

Vài năm qua, Phú Quốc nổi lên, trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế. Năm 2016, Phú Quốc – Kiên Giang sẽ đăng cai Năm Du lịch quốc gia với sự tham gia của các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long.

Hiện Phú Quốc đang là một “công trường xây dựng” với nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư chiến lược chuẩn bị cho Năm du lịch quốc gia và tạo đà bứt phá trong tương lai không xa.

Dự kiến, sau 3 năm nữa, Phú Quốc sẽ có 8.000 – 9.000 phòng khách sạn 5 sao với hệ thống các dịch vụ giải trí, mua sắm, ẩm thực đồng bộ…

Ngành du lịch tự tin rằng Phú Quốc sẽ trở thành trung tâm du lịch tầm quốc tế trong tương lai không xa. Nơi đây sẽ trở thành một điểm đến thu hút đông đảo khách quốc tế cho du lịch Việt Nam.

Năm 2015, việc áp dụng miễn thị thực trong thời hạn 15 ngày cho khách du lịch đến từ Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Italy, Belarus đã góp phần gia tăng khách du lịch từ các thị trường được xác định truyền thống trong Chiến lược và làm cho thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam dần ổn định trở lại…

Tuy vậy, nhiều chuyên gia du lịch và các doanh nghiệp đều nhận định: Chính sách miễn visa khi được ban hành chưa đủ thời gian để phát huy tác dụng thực sự đối với các thị trường nguồn, đặc biệt là đối với các thị trường Tây Âu thường có thói quen lập kế hoạch đi du lịch từ trước 6 - 12 tháng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục