Đưa tinh hoa nghề dệt thổ cẩm truyền thống vươn xa

14:23' - 18/02/2018
BNEWS Những bộ thổ cẩm của đồng bào dân tộc được chị ứng dụng vào thiết kế thời trang áo dài, là chất liệu tơ tằm tạo nên những tà áo thướt tha, là tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống in trên áo dài…

Khi đã thành công trong sự nghiệp, nhà thiết kế áo dài Lan Hương luôn trăn trở, tâm huyết lặn lội đến khắp các làng nghề, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc với mong muốn đưa những sản phẩm truyền thống bà con đến với sàn diễn thời trang áo dài, vươn tầm xa.

Cái tâm của nhà thiết kế thời trang

Trong không gian trưng bày áo dài của gia đình nằm trên phố Thụy Khuê (Hà Nội), nhà thiết kế Lan Hương với phong thái giản dị nhưng chất chứa tình người khi nhắc đến những làng nghề chị đã đặt chân tới, những công việc mình đã cùng làm với bà con.

Bước ra khỏi ánh hào quang của sàn diễn, của những khán phòng sang trọng, chị đi tới các làng nghề từ ngoại thành Hà Nội, đến các tỉnh miền núi phía Bắc, vùng cao miền Trung. Chị đi để cảm được ngữ cảnh ở đó, để thấu hiểu những nhọc nhằn của đồng bào, để chia sẻ nỗi niềm của họ và cùng bà con bắt tay vực nghề truyền thống vươn dậy.

NTK Lan Hương (giữa) rất tâm huyết với dự án "Không gian áo dài Việt". Ảnh: Thể thao Văn hóa

“Càng đi, tôi càng hiểu được hoàn cảnh ở nơi đó với những trăn trở của người làm nghề, thấy tiếc nuối khi nhiều nơi đã quay lưng lại truyền thống của cha ông để lại. Khi đó, tôi nhận ra một điều nếu mình toàn tâm giúp đỡ bà con thì sẽ tốt lên rất nhiều” – nhà thiết kế Lan Hương tâm sự.

Từ những việc đầu tiên hoàn thành, chị lại mong muốn làm những việc tiếp theo và không có điểm ngừng nghỉ, tựa như một quỹ đạo khiến chị muốn bước ra cũng không nổi.

Đôi lúc muốn dành một vài ngày bình yên cho riêng mình nhưng chị cũng không dám bởi một điều đơn giản, chị tâm niệm trong cuộc sống cần san sẻ hạnh phúc cho mọi người. Chị lựa chọn việc giúp đỡ cho những người giữ nghề để họ có thể giúp đỡ được nhiều người khác nhằm lan tỏa cái tốt ra cộng đồng.

Bố mẹ thương chị vất vả phải lao tâm khổ tứ, bạn bè trêu đùa là hâm nhưng với chị niềm vui của bà con các làng nghề chính là niềm vui của mình. Công sức của nhà thiết kế Lan Hương được chính bà con ghi nhận và luôn cảm ơn chị khi mang đến nguồn sinh lực mới cho nghề truyền thống của họ.

Những dấu chân không mỏi

Nhìn ngắm không gian trưng bày áo dài của chị mới cảm nhận sự tinh tế của người có con mắt thẩm mỹ và đôi bàn tay khéo léo. Đó là những bộ thổ cẩm của đồng bào dân tộc được chị ứng dụng vào thiết kế thời trang áo dài, là chất liệu tơ tằm tạo nên những tà áo thướt tha, là tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống in trên áo dài…

Rất nhiều làng nghề chị đã tới như: dệt thổ cẩm của dân tộc Mông ở Bắc Hà (Lào Cai), ở Đồng Văn (Hà Giang); dệt lụa tơ tằm, dệt sợi bông của dân tộc Thái (Nghệ An); lụa tơ tằm của bà con dân tộc ở A Lưới (Huế), ở Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội); dệt lụa của người Chăm (Ninh Thuận), ở Chương Mỹ (Hà Nội)…

Chị kể lại, đồng bào Thái ở Nghệ An có cách thức dệt trên lụa tơ tằm và sợi bông rất đẹp nhưng sản phẩm không được nhiều người biết tới. Chị đã đề nghị bà con dệt đúng những cách thức truyền thống đó lên những thiết kế của chị.

Chị và bà con dân tộc Thái cùng kỳ công làm việc để khi cho ra những tấm lụa, ứng dụng lên tấm áo dài sẽ thành một câu chuyện kể thú vị, không chắp vá tẻ nhạt. Một bộ sưu tập áo dài được tạo nên từ sản phẩm lụa tơ tằm của đồng bào dân tộc Thái vô cùng độc đáo. Bà con thực sự phấn khởi khi chị mua lại những tấm lụa đó và được hướng dẫn cách thức nâng giá trị sản phẩm lên.

Rồi chị lên với bà con dân tộc ở huyện miền núi A Lưới (Huế) đặt đồng bào dệt theo khuôn vải của chị với những họa tiết mang hơi thở núi rừng, tạo nên câu chuyện, bản sắc riêng ở mỗi vùng miền.

Sau đó chị mang về thiết kế thành những bộ áo dài, tạo thêm họa tiết, mang trở lại cho bà con xem khiến ai cũng ngạc nhiên với chính sản phẩm mình tạo ra. Chị bày tỏ: “Những tấm lụa do chính bàn tay đồng bào dệt tại nơi bà con sinh sống trở thành những tác phẩm có hồn, thấm đẫm tinh thần của núi rừng”.

Sau những thành công đó, chị tiếp tục lặn lội lên các làng nghề dệt của đồng bào Mông ở Bắc Hà (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang) và nhiều nơi khác nữa. Trước kia, sản phẩm ở nhiều làng nghề nơi chị đặt chân tới rất khó tiêu thụ nhưng thời gian gần đây, nhờ sự giúp đỡ của chị sản phẩm của nhiều cơ sở đã có chỗ đứng trên thị trường với nhiều chủng loại đa dạng.

Chị Lan Hương phấn khởi chia sẻ, có khi mình muốn muốn mua sản phẩm của bà con cũng phải đặt trước.

Không những cơ duyên với lụa, thổ cẩm, chị còn kết nối với nhiều làng nghề truyền thống khác để phát triển sản phẩm gắn với thời trang, điều mà không nhiều nhà thiết kế có thể làm được. Đó là nghề đậu bạc, chằm nón, thêu, sản xuất giầy dép... là những phụ kiện không thể thiếu trong ngành thời trang.

Đưa sản phẩm truyền thống vươn xa

Nhà thiết kế Lan Hương đã mang những bộ sưu tập áo dài mang đậm phong cách Việt tới trình diễn ở rất nhiều trung tâm thời trang lớn trên thế giới như: Hotel de Ville, Tòa thị chính Paris (Pháp), Cadivi center (Trung tâm nghệ thuật đỉnh cao ở Mỹ), Bảo tàng cổ ở New York (Mỹ), Bảo tàng cổ ở Berlin (Đức) và cung điện hoàng gia các nước…

Chị tâm sự, khi ra nước ngoài bao giờ chị cũng mang sản phẩm 100% chất liệu Việt, thiết kế Việt, làm từ chính bàn tay người Việt. Theo chị, khi mặc những tà áo dài ra nước ngoài bằng chất liệu truyền thống ai cũng rất tự hào, nó giúp thổi bùng các giá trị văn hóa truyền thống ra quốc tế.

Nhiều nhà thiết kế nước ngoài rất thán phục, sau đó họ đến Việt Nam nhờ chị dẫn đi từng làng nghề để mua vải, thêu để ứng dụng luôn vào thiết kế.

Không gian áo dài tại 18 Âu Cơ (quận Tây Hồ) cũng của gia đình chị là nơi các đoàn khách quốc tế thường lui tới giao lưu, tìm hiểu về nghệ thuật áo dài của Việt Nam. Vừa qua, nơi này đã đón Công chúa Hoàng gia Malaysia tới tham quan, tìm hiểu văn hóa Việt, thời trang áo dài.

Tháng 3 tới đây, chị tiếp tục đón các nhà thiết kế thời trang của Indonesia tham quan, giao lưu văn hóa với mong muốn đặt chị thiết kế áo dài trên chất liệu vải batic truyền thống của họ. Bên cạnh đó, rất nhiều đoàn khách quốc tế đi theo các tour du lịch cũng ghé thăm không gian áo dài truyền thống này bởi đây cũng là điểm đến của du lịch Hà Nội.

Chị Lan Hương cho biết hiện đang triển khai dự án bảo tàng nghệ thuật thời trang kể chuyện 1000 năm lịch sử qua thời trang. Bảo tàng này sẽ là nơi hội tụ những tinh hoa dựa trên sự sáng tạo của chị với kỳ vọng sẽ là một điểm nhấn độc đáo về văn hóa truyền thống tại Hà Nội./.

>>>Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục