Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống

11:36' - 14/02/2018
BNEWS Vào những dịp lễ, Tết, ngày cưới, người dân Tây Nguyên thường chọn mặc những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống do chính tay các bà, các mẹ trong gia đình dệt hoặc bản thân mỗi người tự dệt.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện chỉ còn một Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống tại xã Glar, huyện Đăk Đoa. Bà Mlop, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar chia sẻ: Hiện nay các công đoạn dệt vải đã đỡ vất vả hơn vì đã có chỉ công nghiệp, người dệt chỉ cần phân loại màu và dệt ra thành phẩm.

Trăn trở với sự mai một của nghề dệt thổ cẩm truyền thống, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà Mlop đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar với mong muốn bảo tồn nét văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.

Năm 2016, khi mới thành lập, hợp tác xã chỉ có 40 người. Sản phẩm do hợp tác xã sản xuất chủ yếu là khố, áo nam, váy nữ, túi, ví...Hợp tác xã cũng thường xuyên mở lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm; đẩy mạnh các hoạt động đưa các sản phẩm từ được dệt truyền thống có mặt tại thị trường các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk.

Hiện, Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar tạo việc làm thường xuyên cho 300 lao động nữ trên địa bàn. Bà Mlop cùng các thành viên trong hợp tác xã còn tích cực truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho các trẻ em gái trên địa bàn đến học trong dịp hè.

Giá thành của mỗi sản phẩm thổ cẩm được dệt thủ công cao gấp 4-5 lần so với một sản phẩm cùng loại khác được dệt bằng máy. Các sản phẩm do Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar sản xuất không đủ đáp ứng các đơn đặt hàng trong cả nước.

Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: Cùng với phát triển chung của xã hội, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Jrai và Bahnar trên địa bàn tỉnh Gia Lai có phần mai một.

Hiện, trên địa bàn tỉnh chỉ còn Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar hoạt động. Ngoài ra, một số gia đình dân tộc thiểu số vẫn còn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm.

Thời gian qua, tỉnh Gia Lai cũng tổ chức nhiều hội thi tay nghề dệt thổ cẩm từ cơ sở đến cấp tỉnh; hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ dệt thổ cẩm; qua đó khuyến khích đồng bào các dân tộc trên địa bàn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống./.

>>>Độc đáo sắc màu thổ cẩm Sa Pa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục