EU chưa có hành động gì đối với thép giá rẻ từ Trung Quốc

17:56' - 10/11/2015
BNEWS Các bộ trưởng kinh tế và công nghiệp EU không đạt được sự nhất trí tại cuộc họp ngày 9/11 về các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn tình trạng lan tràn thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc
Công nhân kiểm tra thép cuộn tại nhà máy ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc đã khiến cho khoảng 5.000 việc làm ở Liên minh châu Âu (EU) bị mất trong ba tháng qua.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Kinh tế Luxembourg, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên sáu tháng của EU, cho biết các bộ trưởng nhất trí về mức độ nghiêm trọng của tình hình và sự cần thiết phải có hành động cụ thể. Luxembourg đề xuất một cuộc họp sau đó trong năm nay để cân nhắc hành động.

Những người đứng đầu trong ngành thép châu Âu muốn Ủy ban châu Âu giảm bớt thời gian cần thiết trước khi áp thuế, và khôi phục hệ thống quản lý giá và khối lượng thép nhập khẩu.

Họ cho rằng sự gia tăng lượng thép nhập khẩu của Trung Quốc trong quý III là chưa từng có, khi giá liên tục giảm nhanh giữa lúc có biểu hiện rõ ràng của việc bán phá giá.

Theo Robrecht Himpe, Chủ tịch Eurofer và cũng là Giám đốc phụ trách công nghệ của ArcelorMittal (nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới), EU mất hơn một năm trước khi áp các mức thuế, đặt mình vào thế tụt hậu trong một thị trường đang có những thay đổi nhanh chóng như vậy.

Hiệp hội thép châu Âu (Eurofer) cho biết, giá xuất khẩu thép tấm của Trung Quốc giảm 40% trong năm nay.

Karl-Ulrich Koehler, Giám đốc điều hành tại châu Âu của Tata Steel - nhà sản xuất thép lớn thứ hai châu Âu - cho rằng để có thể giảm giá bán, các nhà sản xuất thép Trung Quốc phải được bù lỗ bằng các khoản trợ giá hoặc các biện pháp khác.

Tata Steel cuối tuần trước đã thông báo sẽ tiến đến giảm giá và tái cơ cấu để đối phó với việc Trung Quốc tăng cường xuất khẩu thép với giá rẻ vào hai thị trường chủ chốt là châu Âu và Ấn Độ. Trong khi đó, cũng vào cuối tuần trước, ArcelorMittal đã dừng chia cổ tức năm 2015, do giá giảm vì sự đổ bộ của thép giá rẻ từ các nước như Trung Quốc khiến công ty này bị lỗ.

Khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc đã làm giảm nhu cầu trong nước, Trung Quốc - nước sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới - đặt mục tiêu xuất khẩu trên 100 triệu tấn thép trong năm nay, so với 93,8 triệu tấn năm ngoái.

Trung Quốc bị cáo buộc đã bán phá giá thép trên thị trường toàn cầu để giành thị phần hoặc đánh bật các đối thủ ra khỏi thị trường.

Lê Minh (Theo Reuters)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục