EU là thị trường thứ tư của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam

11:28' - 18/12/2015
BNEWS EU là thị trường quan trọng thứ 4 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc) với nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ hiện đạt khoảng 1/4 nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ toàn cầu.
Bốn mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam bao gồm đồ gỗ ngoài trời, ghế gỗ, đồ nội thất phòng ngủ và đồ nội thất văn phòng. Ảnh: TTXVN

Nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ của các nước EU hiện đạt khoảng 1/4 nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ toàn cầu. Đây cũng là thị trường trọng điểm trong xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Thương mại gỗ và sản phẩm gỗ EU là thị trường quan trọng thứ 4 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc).

Đó là đánh giá của ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tại hội thảo “Thương mại gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam – EU: Thực trạng và xu hướng” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) và Tổ chức Forest Trends phối hợp tổ chức ngày 18/12, tại Hà Nội.

Chỉ tính riêng về các đồ gỗ (HS 94), EU là thị trường quan trọng thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ). Bốn mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam bao gồm đồ gỗ ngoài trời, ghế gỗ, đồ nội thất phòng ngủ và đồ nội thất văn phòng.

Trong khối EU các quốc gia quan trọng nhất đối với thương mại gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam bao gồm Anh, Đức, Pháp. Kim ngạch từ 3 thị trường này chiếm 2/3 trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ khối EU.

EU không chỉ quan trọng đối với Việt Nam về thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ mà còn là một trong những nguồn cung gỗ nguyên liệu. Năm 2014, kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ EU của Việt Nam đạt gần 172 triệu USD, chiếm 1/4 so với tổng kim ngạch gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU.

Trong khuôn khổ của Chương trình thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (FLEGT), Chính phủ Việt Nam hiện đang đàm phán với EU về Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA).

Trong tương lai khi Hiệp định được ký kết Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra những cơ chế chính sách chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo các sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam vào EU là hợp pháp.

Trong 8 tháng 2015, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU đạt 442 triệu USD. Ảnh: TTXVN

Theo ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, hội nhập sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.

Hội nhập cũng sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam thu hút các dòng vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến gỗ, đẩy mạnh sức cạnh tranh và phát huy được lợi thế về lao động và nguồn nguyên liệu hiện nay của Việt Nam.

Tuy nhiên hội nhập cũng đồng nghĩa với những khó khăn và rủi ro mà các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam phải đối mặt. Đó là tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu.

"Mặc dù rủi ro trong thương mại gỗ giữa Việt Nam – EU hiện tồn tại ở mức thấp, nhưng đây là vấn đề sống còn của cả ngành chế biến và xuất khẩu gỗ trong việc duy trì hình ảnh của ngành trên trường quốc tế", ông Tô Xuân Phúc chỉ ra.

Ông Tô Xuân Phúc cho rằng, Chính phủ và các hiệp hội gỗ có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro, cũng như yêu cầu doanh nghiệp loại bỏ nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào không rõ nguồn gốc.

Chính phủ và hiệp hội cần khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường tính minh bạch của sản phẩm xuất khẩu thông qua việc khai báo nguồn gốc và tính pháp lý của nguồn gỗ nguyên liệu.

Trong bối cảnh hội nhập, giảm thiểu các rủi ro không những giúp cho ngành gỗ duy trì thị trường EU như hiện nay mà còn giúp mở rộng thị trường, trực tiếp góp phần vào phát triền bền vững ngành gỗ trong tương lai.

Trong 8 tháng 2015, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU đạt 442 triệu USD. Việt Nam cũng nhập khẩu khoảng 111 triệu USD gỗ nguyên liệu từ thị trường này. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục