G20 có vũ khí giảm thiểu rủi ro khi các ngân hàng lớn sụp đổ

18:17' - 10/11/2015
BNEWS Ủy ban Bình ổn Tài chính (FSB) vừa hoàn tất các "công cụ cuối cùng" để chấm dứt hiện tượng "quá lớn để sụp đổ" của các ngân hàng như trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Citibank - ngân hàng từng điêu đứng trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Ảnh: Reuters

Mark Carney, Chủ tịch FSB cho hay nhiều cải cách then chốt được thực hiện một cách chóng vánh và quyết liệt.

Ông Carney, cũng là Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh , cho biết FSB hiện đã hoàn tất các công cụ cần thiết để “xóa dần các ngân hàng quá lớn để sụp đổ” trong một lộ trình trật tự nếu cần. Và đây được coi là đợt cải cách tài chính lớn cuối cùng của cuộc khủng hoảng.

Các lãnh đạo G20 sẽ nhóm họp trong tuần tới tại Thổ Nhĩ Kỳ và dự kiến sẽ thông qua biện pháp cải cách, trong đó yêu cầu 30 ngân hàng hàng đầu thế giới phát hành trái phiếu tới năm 2019 để huy động nguồn vốn "đệm" tương đương 18% tài sản có nguy cơ rủi ro trong trường hợp các ngân hàng đổ vỡ.

Đó là chưa kể nguồn vốn dự trữ tối thiểu mà mỗi ngân hàng cần phải trích lập để đề phòng rủi ro.

Mục đích của động thái trên là nhằm để cho các ngân hàng lớn đổ bể mà không gây ra tình hình rối ren trên thị trường như đã từng xảy ra khi ngân hàng Lehman Brothers bị suy sụp năm 2008.

FSB là cơ quan có chức năng phối hợp cách thức quy định trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) để khỏa lấp những lỗ lổng đã bộc lộ trong cuộc khủng hoảng 2008./.

Anh Quân (Theo Reuters)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục