Muôn kiểu lừa đảo chuyển tiền online

17:29' - 26/04/2024
BNEWS Việc đuổi theo, ngăn chặn các hình thức lừa đảo trực tuyến là không khả thi. Do đó, để hạn chế, giảm thiểu vấn nạn này, cần thực hiện 3 giải pháp căn cơ: thể chế chính sách, công nghệ và tuyên truyền

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, hoạt động chống phá, tội phạm mạng diễn ra rất phức tạp. Quý I/2024, Bộ Công an đã phát hiện hơn 20 triệu cảnh báo các hoạt động tấn công mạng, riêng tháng 3, phát hiện hơn 7 triệu cảnh báo, tăng 6% so với tháng trước. Các đối tượng lừa đảo liên tục dựa theo nhu cầu của người dân, nhất là vào các dịp lễ như Valentine 14/2, ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và sắp tới là 30/4, 1/5… để thực hiện các chiêu trò lừa đảo.

Muôn kiểu lừa đảo

Ngày 07/01/2024, vào hồi 16h59 chị Nguyễn Thị Hà (Hà Giang) nhận được tin nhắn qua Facebook của Cha xứ mang tên Lê Tuấn hỏi vay 20 triệu đồng do tài khoản hết hạn mức chuyển khoản và yêu cầu chuyển giúp vào tài khoản mở tại ngân hàng X.

Chị Hà đã chuyển 20 triệu thành công và chụp lại hình ảnh giao dịch gửi lại FB Lê Tuấn. Sau đó, Facebook Lê Tuấn tiếp tục nhắn cho chị Hương hỏi vay tiếp 20 triệu đồng với lý do để Cha xứ lên vùng cao phát quà cho các em nhỏ. Lúc này chị Hương cảm thấy nghi ngờ vì Cha xứ không bao giờ vay tiền và nài nỉ như vậy cả.

“22h27, tôi có liên lạc bằng hình ảnh thì Facebook Lê Tuấn có nhận điện thoại khoảng 10 giây, có hiện hình ảnh không số của Cha xứ và trả lời nhanh rằng đang bận online thánh kinh không tiện nói chuyện và yêu cầu chỉ nhắn tin. Tôi nhận thấy mình đã bị lừa và gọi điện thoại trực tiếp bằng số điện thoại cho Ca xứ Lê Tuấn thì mới được biết tài khoản Facebook của Cha xứ mang tên Lê Tuấn đã bị hack nick từ nhiều ngày trước…), chị Hà cho biết.

Tương tự, chị Phan Thị Vĩnh Hằng (Phú Yên) đăng ký tham gia chương trình hoạt động hè cho con trên mọt quảng cáo online đã bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ chuyển tiền nhiều lần vào tài khoản khác trên mạng. Hay chị Lê Thị Thu Huyền (Hà Nội) không may bị kẻ gian lấy cắp điện thoại khi đi du lịch cùng gia đình và bị mất tiền trong tài khoản do kẻ gian mở được điện thoại để chuyển tiền… 

Một thủ đoạn lừa đảo dù được cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần nhưng người dùng vẫn bị lừa, thậm chí là bị “thao túng tâm lý” rồi mất tiền là việc mạo danh cán bộ làm việc trong cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thông báo khách hàng đang bị kiện, có liên quan đến một vụ án ma túy, chuyên án, thậm chí đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân. Từ đó, dẫn dụ khách hàng làm theo yêu cầu và chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo.

Thủ đoạn lừa đảo phổ biến phải kể đến là khách hàng nhận được tin nhắn SMS có thương hiệu ngân hàng thông báo trúng thưởng, tặng quà, ưu đãi lớn… gửi kèm đường link để khách hàng nhập thông tin. Thực chất, đây là đường link giả mạo khiến khách hàng tiết lộ thông tin thẻ, thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử nhằm chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn lừa đảo mới nhất khiến nhiều người “sập bẫy” là kẻ gian sử dụng công nghệ mới để chiếm quyền kiểm soát điện thoại, qua đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Khác so với trước, các đối tượng không chỉ nhắm vào người dùng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android mà người dùng iPhone (iOS) cũng nằm trong danh sách của các đối tượng lừa đảo.

Theo ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, mặc dù trên mạng tồn tại đa dạng các hình thức lừa đảo, tuy nhiên, tựu chung có 3 dạng lừa đảo phố biến: Thứ nhất, kẻ xấu dẫn dụ người dân cài và sử dụng phần mềm độc hại, sau đó ăn cắp thông tin cá nhân để giả dạng và tiến hành lừa đảo.

Thứ hai, lừa đảo để nạn nhân đăng nhập (click) vào các đường dẫn (link) nhiễm mã độc, lừa lấy thông tin bảo mật, mã bảo mật 1 lần để đăng nhập tài khoản mạng xã hội hoặc tài khoản ngân hàng để trục lợi.

Thứ ba, kẻ xấu giả danh các đối tượng như lãnh đạo, người thân…để lừa người dân chuyển tiền vào tài khoản cá nhân rồi chiếm lợi.

Cảnh báo thủ đoạn 'thao túng' tâm lý

Bị đối tượng lừa đảo thao túng tâm lý, nhiều người vô thức mở tài khoản ngân hàng, sau đó huy động người thân, bạn bè gửi vào số tiền vô cùng lớn và chuyển đi cho kẻ gian. Khi nhận được các cuộc gọi lạ, nhiều người cũng dễ dàng đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm hay chuyển khoản cho đối tượng lừa đảo.

Vào tháng 2/2024, bà T.M.A (68 tuổi) ngụ tại Cần Thơ nhận được một cuộc gọi từ người giọng nam xưng là công an thông báo bà đang có lệnh bắt của Viện Kiểm sát liên quan đến một đường dây buôn ma túy ở Tp. Hồ Chí Minh. Người trong điện thoại yêu cầu bà M.A mở tài khoản ngân hàng và thực hiện chuyển 2 tỷ để được "bảo lãnh". 

Dù bán tín bán nghi nhưng vì đối tượng đọc đúng thông tin cá nhân, số căn cước cá nhân khiến bà A như bị thao túng tâm lý. Bà liền huy động, vay mượn người thân, bạn bè gửi tiền vào số tài khoản mới mở và làm theo chỉ dẫn của kẻ gian. Sau khi “hoàn hồn”, bà mới tá hỏa và vội trình báo cơ quan công an. Kết quả, tất cả tiền trong tài khoản mới mở của bà đã bị chuyển đi cho các đối tượng lừa đảo.

Mới đây, vào lúc 15h00 ngày 9/4/2024, khách hàng LTHĐ, thường trú tại thôn Lập Đức, xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đến Agribank chi nhánh Hàm Mỹ Bình Thuận rút tiền gửi tiết kiệm trước hạn để chuyển tiền cho một người có tài khoản ở ngân hàng khác, tại cửa giao dịch của GDV Lê Thị Duyên.

Sau khi tiếp nhận thông tin, GDV Lê Thị Duyên kiểm tra sổ tiết kiệm của khách hàng có kỳ hạn gửi là 12 tháng, ngày đến hạn vào tháng 10/2024. GDV giải thích cho khách hàng là rút tiền tiết kiệm trước hạn chỉ được nhận lãi không kỳ hạn rất thấp, nên vay cầm cố sổ tiết kiệm sẽ có lợi hơn nhưng khách hàng vẫn kiên quyết để nghị rút toàn bộ số tiền tiết kiệm để chuyển vào tài khoản mà khách hàng đã cung cấp. 

Nhận thấy khách hàng có biểu hiện lo lắng, điện thoại luôn có người gọi tới thúc giục chuyển tiền, bằng nghiệp vụ và kinh nghiệm, chị Duyên suy đoán có thể khách hàng đang bị lừa đảo chuyển tiền nên đã tạm thời trì hoãn thực hiện giao dịch và báo cáo Phó Giám đốc chi nhánh phụ trách mảng Kế toán và Ngân quỹ phối hợp giải quyết.

Nhận được báo cáo sự việc, Phó Giám đốc chi nhánh đã trực tiếp gặp và mời khách hàng vào phòng làm việc để tìm hiểu, giải thích cụ thể về các hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay cho khách hàng để tránh bị lừa đảo chuyển tiền. Tuy nhiên, khách hàng vẫn không hợp tác và đề nghị cho rút hết số tiền trên chuyển cho con trai tên Huy đang công tác tại Hà Nội để làm nhà.

Trong thời gian trao đổi, điện thoại của khách hàng liên tục có người gọi tới thúc giục. Xác định đây là một vụ lừa đảo nên chi nhánh đã liên hệ Công an xã Hàm Mỹ để phối hợp ngăn chặn.

Sau khi trấn tĩnh, bà LTHĐ tường trình lại toàn bộ sự việc như sau: bà bị nhóm người xưng danh là Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện tới nói rằng bà có mở một tài khoản ngân hàng tại Hà Nội và hiện đang liên quan đến một vụ án, đề nghị bà phải rút và chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm (do bà Đ có khai là có số tiền tiết kiệm đang gửi tại ngân hàng) trên vào tài khoản tạm giữ của công an để phục vụ công tác điều tra và sẽ được hoàn trả khi xác minh bà không có liên quan đến vụ án; nhưng trong thời gian điều tra không được thông tin với bất kỳ ai cho đến khi vụ án kết thúc; nếu bà không thực hiện chuyển tiền sẽ bị niêm phong tài sản nhà, đất và bị đi tù.

Từ những sự việc nêu trên có thể thấy, nhóm khách hàng bị lừa đảo, rơi vào bẫy “thao túng tâm lý” của các nhóm tội phạm công nghệ cao chủ yếu là người lớn tuổi, trình độ hiểu biết hạn chế và dễ bị cảm xúc chi phối. Khi nhận được các cuộc gọi lạ, họ dễ dàng đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm hay chuyển khoản đi. Nhiều người còn vô thức mở tài khoản ngân hàng, sau đó huy động người thân, bạn bè gửi vào số tiền vô cùng lớn và chuyển đi cho kẻ gian.

Bảo an tài khoản - bảo vệ giao dịch online

Liên quan đến việc ngăn chặn các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, thời gian qua, Bộ Công an và các doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tín dụng như ngân hàng, công ty tài chính, chứng khoán luôn đưa ra những khuyến cáo, cập nhật những thủ đoạn, chiêu thức mới để người dân cảnh giác.

"Việc đuổi theo, ngăn chặn các hình thức lừa đảo trực tuyến là không khả thi, vì chúng ta luôn đi sau. Do đó, để hạn chế, giảm thiểu vấn nạn này, cần thực hiện 3 giải pháp căn cơ là thể chế chính sách, công nghệ và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân", ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định.

Để người dùng cập nhật đầy đủ và sớm về các hình thức lừa đảo, ông Trần Quang Hưng nhấn mạnh, ngoài việc xử lý về công nghệ, biện pháp kỹ thuật thì việc tuyên truyền những thông tin về các hình thức lừa đảo trực tuyến nhanh chóng, kịp thời đến được càng nhiều người dân càng tốt.

Theo khuyến cáo của cơ quan công an và các ngân hàng, chủ tài khoản không cung cấp các thông tin bảo mật như tên đăng nhập, mã OTP, số thẻ, mã CVV, mật khẩu tài khoản... cho các đối tượng lạ. Bên cạnh đó, không truy cập (gõ mật khẩu đăng nhập) vào các đường link lạ; không cài các app lạ không rõ chức năng, xuất xứ vào thiết bị di động có app ngân hàng.

Do đó, bản thân mỗi người dân phải tự bảo vệ bản thân, nâng cao cảnh giác trước mọi cuộc gọi nghi ngờ và liên hệ ngay với ngân hàng, cơ quan công an gần nhất khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo.

Trước các hình thức lừa đảo các ngân hàng đều có khuyến cáo đến quý khách hàng và đối tác các biện pháp để bảo vệ an toàn thông tin cá nhân: Không truy cập và thực hiện giao dịch tài chính trên các link, website lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email mà không có địa chỉ, thương hiệu rõ ràng; Không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào (tên đăng nhập, số tài khoản, mật khẩu, mã OTP, CMND…) cho bất kỳ ai; Ưu tiên sử dụng các tính năng bảo mật sinh trắc học như nhận dạng vân tay hoặc khuôn mặt cho các ứng dụng và giao dịch tài chính...

Với mong muốn khách hàng có thể an tâm giao dịch, Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank) đã triển khai sản phẩm bảo hiểm Bảo an tài khoản giúp bảo vệ tài khoản cá nhân của khách hàng Agribank (có sử dụng dịch vụ giao dịch trực tuyến) trước sự gia tăng không ngừng của tội phạm lừa đảo trực tuyến. 

Ông Đỗ Minh Hoàng, thành viên Hội đồng quản trị Bảo hiểm Agribank cho biết Agribank hiện có hơn 20 triệu khách hàng cá nhân mở tài khoản và sử dụng các hình thức giao dịch trực tuyến. Trong bối cảnh tội phạm mạng, tội phạm lừa đảo trực tuyến không ngừng gia tăng, nhận định thấy mức độ nghiêm trọng của rủi ro lừa đảo trực tuyến đối với người dân và để bảo vệ tài sản của các chủ tài khoản và thương hiệu Agribank, Bảo hiểm Agribank đã hợp tác cùng với nhà môi giới bảo hiểm Marsh và nhà tái bảo hiểm QBE nghiên cứu và xây dựng sản phẩm bảo hiểm Bảo an tài khoản.

"Bảo an tài khoản chính là bảo vệ an toàn cho tài khoản trong giao dịch thanh toán online. Hay nói cách khác, sản phẩm này giúp khách hàng an tâm hơn khi sử dụng các giao dịch trực tuyến, dịch vụ ngân hàng điện tử của Agribank" - ông Hoàng thông tin.

Theo lãnh đạo Bảo hiểm Agribank, chỉ với mức phí 77.000 đồng/năm, Bảo hiểm Agribank sẽ chi trả bảo hiểm lên tới 46 triệu đồng/tài khoản/năm nếu không may rủi ro mất tiền trong tài khoản. Như vậy, ước tính mức phí mỗi tháng chỉ 6.500 đồng là rất phù hợp với khách hàng. Sau này, mức chi trả bồi thường bảo hiểm sẽ được thiết kế cao hơn thì mức phí cũng sẽ được tăng theo.

Chia sẻ thêm về tình huống mà sản phẩm bảo an tài khoản sẽ chi trả, ông Hoàng cho hay mất tiền trong tài khoản có thể là bị lừa đảo nhưng cũng có thể chủ động chuyển tiền. Đơn cử  trường hợp khách hàng bị đối tượng lừa đảo gọi con bị tai nạn và yêu cầu phụ huynh phải chuyển tiền để đưa con đi cấp cứu ngay.

Ngay lập tức bố mẹ chuyển tiền cho tài khoản lừa đảo đó. Rõ ràng chủ tài khoản chủ động chuyển tiền nhưng do bị lừa đảo. Trường hợp này, khách hàng sẽ được Bảo hiểm Agribank bồi thường nếu có tham gia sản phẩm bảo hiểm Bảo an tài khoản của Bảo hiểm Agribank.

Còn khách hàng bị đối tượng lừa đảo nhắn tin hướng dẫn click vào đường link dẫn đến bị lấy cắp thông tin tài khoản và mất tiền trong tài khoản. Với những trường hợp này, đương nhiên sẽ được Bảo hiểm Agribank bồi thường nếu khách hàng tham gia sản phẩm Bảo an tài khoản.

Khách hàng sẽ làm gì khi không may gặp rủi ro mất tiền? Ông Hoàng cho biết khách hàng cần báo ngay cho Agribank là bị đánh cắp mất tiền và yêu cầu ngân hàng khóa tài khoản ngay. Đây chính là cơ sở để Bảo hiểm Agribank chi trả bảo hiểm cho khách. Cán bộ ngân hàng sẽ phối hợp với Bảo hiểm Agribank để triển khai các thủ tục bồi thường cho khách hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục