Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

16:59' - 18/04/2018
BNEWS Ngày 18/4, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.
Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MoU) giữa Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản thành phố Cần Thơ và Hội Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam thành phố Sakai nhân dịp Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2018), ngày 18/4, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”. Hội nghị do Bộ Ngoại giao, UBND thành phố Cần Thơ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng các Cơ quan đại diện của Nhật Bản và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp tổ chức.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” là Hội nghị cấp vùng nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với đối tác Nhật Bản.

Hội nghị là một bước tiến mới trong mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản kể từ khi Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản được ký kết vào năm 2014.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hy vọng, thông qua hội nghị, thành phố Cần Thơ với vai trò chủ nhà sẽ phát huy, nâng cao vị thế là trung tâm phát triển động lực của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế và du lịch của thành phố, thu hút đầu tư từ các đối tác Nhật Bản...
Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao chia sẻ, qua nhiều năm nỗ lực phát triển, Đồng bằng sông Cửu Long nay đã trở thành khu vực năng động, nhiều tiềm năng phát triển, được Chính phủ Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng cũng như được các nhà đầu tư trong, ngoài nước quan tâm tìm đến, trong đó có Nhật Bản.
Thực tế, sự hiện diện của doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản tại đây còn ít hơn so với nhiều khu vực khác, đặc biệt, các nhà đầu tư Nhật Bản phần lớn chỉ tập trung đầu tư tại thành phố Cần Thơ. Bên cạnh đó, diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long mang tới nhiều nguy cơ cho an ninh kinh tế, lương thực và ổn định xã hội của khu vực này.
Bộ Ngoại giao hy vọng, qua hội nghị này, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ hiểu hơn về Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng để có định hướng phát triển kinh doanh lâu dài tại vùng đất này; đồng thời, sát cánh cùng Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống và khắc phục những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm kinh tế vững mạnh của cả nước.
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, Cần Thơ có hệ thống cảng sông kết nối giao thông thuận lợi với nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực, được Chính phủ chọn là trung tâm logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long; cảng hàng không quốc tế; trung tâm thương mại, giáo dục, y tế phát triển nhất khu vực. Đó là những điều kiện giúp Cần Thơ luôn là địa phương thu hút đầu tư hiệu quả nhất khu vực thời gian qua.
Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long" là cơ hội tốt để thành phố Cần Thơ tạo ấn tượng với nhà đầu tư Nhật Bản cũng như các doanh nghiệp trong nước.

Do đó, tại hội nghị, các tham luận cũng như các đề mục dự án giới thiệu hợp tác đầu tư sẽ được thành phố tập trung đi sâu vào trọng tâm, trọng điểm, phù hợp nhu cầu thực tế của địa phương và nhu cầu của thị trường Nhật Bản.
Đại diện phía Nhật Bản, ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, sẽ tích cực hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long trong thu hút doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ; hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong vùng tổ chức những sự kiện giao lưu, kết nối với doanh nghiệp Nhật Bản phù hợp với khả năng và nhu cầu từng địa phương...
Theo chương trình tổng thể, hội nghị được chia làm 3 phiên, tập trung thảo luận các biện pháp kết nối và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực: Hợp tác phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục đào tạo và biến đổi khí hậu; hợp tác địa phương về lĩnh vực văn hóa, du lịch và lao động; hợp tác kinh tế đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài ra, hội nghị còn có các hoạt động bên lề như: Hội đàm giữa các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam; thực địa các khu công nghiệp, dự án đang kêu gọi đầu tư, các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại thành phố Cần Thơ...
Dịp này, cũng đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa: Cục Ngoại vụ và các công ty hàng không Vietnam Airlines, Jetstar; giữa Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang và Công ty Hagihara (Nhật Bản); giữa Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang và Công ty Daimasa Engineering (Nhật Bản); giữa Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản thành phố Cần Thơ và Hội Hữu nghị Sakai - Việt Nam./.

>>>Nhật -Trung đối thoại kinh tế cấp cao lần thứ tư

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục