Ghi nhận ca bệnh mắc não mô cầu tại Hà Nội

08:47' - 04/03/2016
BNEWS Ngày 3/3, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam 30 tuổi (ở Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị mắc bệnh viêm não mô cầu nguy hiểm.
Bác sỹ bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân viêm não mô cầu năm 2012. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Theo bác sỹ Nguyễn Trung Cấp (Khoa Cấp cứu), hiện bệnh nhân tỉnh nhưng các triệu chứng viêm màng não rất rõ ràng với biểu hiện nôn, đau đầu nhiều. Trên cơ thể người bệnh không xuất hiện các ban điển hình của viêm màng não mủ, nhưng kết quả cấy dịch não tủy đã khẳng định người bệnh mắc não mô cầu.

Trước đó ngày 27/2, bệnh nhân này bắt đầu có biểu hiện sốt, đau đầu, nôn và buồn nôn. Sau 2 ngày sốt, bệnh nhân thêm triệu chứng lơ mơ, hôn mê nên được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa Đông Anh, Hà Nội. Tại đây bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng não và chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Ngay khi có kết quả khẳng định, Bệnh viện đã thông báo với Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội để các đơn vị khoanh vùng, giám sát khoảng 30 người tiếp xúc gần với bệnh nhân, dùng thuốc dự phòng bệnh.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân cũng được điều trị cách ly, phòng nguy cơ lây cho bệnh nhân khác.

Đây là ca bệnh đầu tiên mắc não mô cầu trong năm mà Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận và cũng là ca đầu tiên ghi nhận tại Hà Nội.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 cả nước ghi nhận các trường hợp mắc bệnh rải rác tại một số tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai, Nam Định, Lạng Sơn, Hải Dương, Hà Nội…, trong đó đã có trường hợp tử vong.

Trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 650 trường hợp viêm màng não mủ do vi khuẩn, trong đó vi khuẩn não mô cầu chiếm khoảng 14%. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỉ lệ 10%-20%. Tỉ lệ tử vong có thể từ 10%-15%.

Đây là bệnh lý nguy hiểm, dễ lây lan do vi khuẩn não mô cầu nằm ở dịch mũi họng. Trong cộng đồng, tỉ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (còn gọi là người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng từ 5%-25%. Chỉ cần dính chút dịch mũi họng của người phát bệnh là có thể nhiễm theo. Do vậy, khi có trường hợp mắc bệnh não mô cầu cần nhanh chóng cách ly người bệnh. Khi tiếp xúc, hai bên phải đeo khẩu trang, không dùng chung các dụng cụ sinh hoạt, kể cả những vật dụng mà người bệnh đã cầm nắm...

* Triệu chứng của bệnh viêm não mô cầu

Thời gian ủ bệnh của viêm não mô cầu từ 2-10 ngày, thông thường 3-4 ngày. Biểu hiện dễ thấy nhất của viêm màng não mô cầu là sốt đột ngột (39-40 độ C), xuất hiện ban máu (tử ban) vào ngày đầu tiên sốt, có thể kèm nôn ói, đau đầu, ớn lạnh. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân sẽ sợ ánh sáng, cứng gáy, mê sảng, co giật, mất ý thức.

Các nốt ban máu rất dễ nhầm với liên cầu khuẩn lợn. Khi xuất hiện, ban máu sẽ lan rất nhanh cả về số lượng và kích thước. Khi đó người bệnh cần thận trọng vì có thể rơi vào thể tối cấp với diễn biến vô cùng nhanh, trong vài giờ có thể suy hô hấp, sốc phổi và tử vong.

Việc chẩn đoán não mô cầu ở giai đoạn sớm gặp nhiều khó khăn vì triệu chứng bệnh giống như những triệu chứng viêm màng não siêu vi thông thường khác. Viêm não mô cầu có nhiều thể bệnh, trong đó thể nặng nhất là nhiễm trùng huyết tối cấp với 80% bệnh nhân tử vong, ở thể viêm màng não mủ có tỉ lệ tử vong từ 30-40%.

Ngay cả khi bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực từ khi bắt đầu, thì vẫn có 5% - 10% bệnh nhân tử vong, thường trong vòng 24-48 giờ sau khi khởi phát triệu chứng.

Hiện nay, có 2 loại vắc xin phòng ngừa viêm não mô cầu là BC (cho trẻ 3 tháng tuổi trở lên) và AC (cho trẻ trên 21 tháng tuổi). Người lớn cũng có thể tiêm phòng.

Sau tiêm 10 ngày, cơ thể sẽ có miễn dịch bảo vệ và kháng thể nhưng sau 3 năm sẽ giảm, do đó sau thời gian này cần tiêm nhắc lại mũi thứ 2.

Với những người đã nhiễm bệnh, ở thể nhẹ, bệnh nhân có thể qua khỏi nếu được nhập viện và điều trị bằng kháng sinh càng sớm càng tốt.

Khi bệnh nhân đã ở thể nặng, việc dùng thuốc kháng sinh chỉ giúp ngăn ngừa nguy cơ tử vong hoặc giảm nguy cơ gặp biến chứng. Thống kê cho thấy, có khoảng 11-19% bệnh nhân sống sót sẽ có các khuyết tật lâu dài như mất tay chân, tổn thương não, tổn thương các cơ quan nội tạng như thận, các giác quan như thị giác, thính giác...

Để điều trị cho bệnh nhân viêm não mô cầu, các cơ sở y tế có thể dùng các thuốc kháng sinh như penicillin, ampicillin, chloramphenicol. Tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng, bệnh nhân có thể phải dùng thêm các phương pháp điều trị hỗ trợ khác.

Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ, vắc xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Đặc biệt, khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục