Giá thuốc đấu thầu tập trung giảm 21,12% so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017

15:39' - 05/01/2018
BNEWS Qua thí điểm đấu thầu tập trung quốc gia đối với 20 mặt hàng thuốc sử dụng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế đã kéo giảm giá thuốc 21,12% so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017.

Thông tin trên được ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến phía Bắc (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết sáng 5/1, tại Hội nghị cung cấp thông tin về đấu thầu tập trung cấp quốc gia một số thuốc chữa bệnh do Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện.

* Giảm chi phí 251,13 tỷ đồng qua đấu thầu tập trung

Theo ông Dương Tuấn Đức, thực hiện Nghị quyết số 59/NQ-CP của Chính phủ giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thí điểm đấu thầu tập trung quốc gia đối với một số thuốc sử dụng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Y tế về danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, trên cơ sở nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh, trong quý IV/2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2018 đối với 5 hoạt chất với tổng giá trị trên 1.000 tỷ đồng, giá kế hoạch được phê duyệt đã giảm từ 5 đến 15% so với các mặt hàng đã trúng thầu tại các tỉnh, thành phố trong 12 tháng trước đó.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Theo kết quả trúng thầu đã công bố, thuốc biệt dược gốc có 5/5 mặt hàng dự thầu trúng thầu, thuốc Generic có 3 gói ở 3 khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam có 15/19 gói trúng thầu. Đối với 5 mặt hàng biệt dược gốc trúng thầu, nhiều mặt hàng giảm thấp hơn cả giá kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra.

Có hai thuốc giảm 15% là Meropenem hàm lượng 500mg và Meropenem hàm lượng 1g, thuốc Ceftriaxon giảm 14,6%, thuốc Levofloxacin giảm 11,2% và thấp nhất là thuốc Cefoperazon + Sulbactam, giảm 9,8%.

“Khi đấu thầu kết quả còn cho thấy bức tranh khả quan hơn, đó là đã phá vỡ quan niệm trước đây là thuốc biệt dược gốc là thuốc độc quyền, không bao giờ giảm giá, và bây giờ, đã có sự giảm giá và giảm mạnh”, ông Dương Tuấn Đức nói.

Ông cũng cho biết khi xây dựng giá kế hoạch, Bảo hiểm xã hội Việt Nam rất lo giảm giá sẽ không có nhà thầu nào tham dự nhưng thực tế cả 5/5 mặt hàng đều giảm mạnh và giảm so với cả gói đấu thầu tập trung mà Bộ Y tế mới thực hiện. Tổng giá trị biệt dược gốc giảm so với giá trúng thầu là 13,82%.

Thuốc Generic giá trị giảm còn cao hơn, đặc biệt là các thuốc nhóm 1 vừa hết bản quyền đã giảm rất sâu, thấp nhất là 27,3% và cao nhất là 42,8%. Giá trị thuốc đấu thầu tập trung với số lượng lớn, với sự cạnh tranh công bằng, minh bạch thì các nhà thầu tham dự sẽ có khả năng điều chỉnh giá thấp xuống bởi tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Khi tham gia các gói thầu đơn lẻ ở các tỉnh, sẽ có rất nhiều hội đồng thầu, phải mua nhiều hồ sơ mời thầu, chuẩn bị nhiều hồ sơ dự thầu và bỏ nhiều công sức, huy động nhiều người để tham gia các hội đồng đó. Nhưng, khi làm một hội đồng ở Trung ương thì chỉ cần làm một lần, ông Dương Tuấn Đức lý giải.

Giá thuốc Generic sau trúng thầu đã giảm bình quân 33,81% so với giá đã đấu thầu ở các tỉnh năm 2017, trong đó các thuốc ở nhóm 1 đều giảm sâu. Thậm chí, có thuốc ở nhóm 3 là Levofloxacin 500mg đã giảm tới 54,7%.

Đây là thuốc có nguồn gốc sản xuất trong nước, được hưởng ưu đãi cao. Tổng giá trị của 20 mặt hàng thuốc qua đấu thầu là 935,99 tỷ đồng, so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017 trên cả nước đã giảm 21,12%, tương ứng số tiền 251,13 tỷ đồng.

Mặc dù lần đầu tiên thí điểm tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc, nhưng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Các nhà thầu trúng thầu đã cam kết đảm bảo chất lượng thuốc, khả năng cung ứng và tiến độ cung ứng thuốc để phục vụ người bệnh.

Kết quả của lần đầu tiên đấu thầu thuốc quốc gia do Bảo hiểm xã hội Việt Nam thí điểm tổ chức thực hiện sẽ góp phần đáng kể để điều chỉnh hợp lý giá thuốc sử dụng cho người bệnh bảo hiểm y tế nói riêng, người dân nói chung, trả lại giá trị đích thực của thuốc, ông Dương Tuấn Đức cho hay.

Qua việc đấu thầu thuốc, vai trò quản lý dược, vật tư y tế của cơ quan Bảo hiểm xã hội tiếp tục được phát huy, tăng cường minh bạch và có tác động tích cực đến kết quả lựa chọn nhà thầu (giá thuốc, lựa chọn thuốc), góp phần loại bỏ, khắc phục bất hợp lý trong kế hoạch đấu thầu trước đây; phát hiện và loại bỏ thuốc có hàm lượng không thông dụng, có giá cao bất thường, giá kế hoạch chênh lệch giữa các nhóm thuốc, giữa các loại, hàm lượng...

Trong quá trình thương thảo hợp đồng, để đảm bảo khả năng cung ứng thuốc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu các nhà thầu có các văn bản, tài liệu chứng minh, cam kết khả năng cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế theo tiến độ.

Để đảm bảo theo dõi việc cung ứng và sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thiết lập trên hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế các chức năng này và sẽ tiếp tục theo dõi đến từng cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

* Vẫn đảm bảo giá thuốc

Trước băn khoăn của báo giới về việc giá thuốc giảm có dẫn đến chất lượng thuốc giảm, “tiền nào, của đấy”, ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng ban Dược - Vật tư y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) khẳng định khi xây dựng giá kế hoạch hợp lý nên phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu sẽ có giá hợp lý. Giá kế hoạch của gói thầu tập trung quốc gia Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện vừa qua tốt nên vẫn mua được thuốc tốt.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng việc đấu thầu đã thành công. Quá trình đấu thầu diễn ra đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, minh bạch, cạnh tranh công bằng và lựa chọn được các mặt hàng có chất lượng, giá hợp lý. Không có chuyện “tiền nào, của đấy”.

“Đến giờ phút này, các nhà thầu, các bệnh viện, các phóng viên phát hiện bất kỳ điều gì không minh bạch, không công khai sẽ bị xử lý và không có vùng cấm, kể từ tôi trở xuống”, “không có sân trước, sân sau, quân xanh, quân đỏ”, ông Phạm Lương Sơn khẳng định.

Hai mục tiêu đạt được của đợt đấu thầu tập trung quốc gia được ông Phạm Lương Sơn đưa ra là đã đảm bảo đủ thuốc, kịp thời thuốc với chất lượng tốt cho người bệnh, không xảy ra tình trạng mất ổn định; đồng thời kiểm soát được giá, giảm giá thuốc vượt mục tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết 84/NQ-CP là giảm từ 10 – 15% giá thuốc trong năm 2017, đặc biệt là thuốc biệt dược.

“Đấu thầu quốc gia không chỉ có lợi cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, mà có lợi cho người dân và cả cơ sở khám chữa bệnh”, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu rõ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục