Giải cứu nông sản - Bài 1: Còn thiếu liên kết

09:56' - 22/06/2017
BNEWS Trước xu thế hội nhập toàn cầu, sản xuất nông sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu cần một sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu kém. 

Thiếu liên kết

Theo ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam, cả nước có hơn 4.000 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn đã được công nhận. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản và vẫn xảy ra trường hợp nhiều doanh nghiệp - nông dân sẵn sàng hủy hợp đồng liên kết tiêu thụ khi thị trường bị xáo trộn.
Ông Ưng Thế Lãm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại Toàn Cầu cho biết, Công ty Toàn Cầu chuyên xuất khẩu thanh long đi các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản với tiêu chuẩn chất lượng khác nhau. Do đó, công ty thực hiện liên kết với các hộ nông dân để tạo vùng nguyên liệu ổn định. 

Cả nước có hơn 4.000 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn đã được công nhận. Ảnh minh họa: TTXVN.

Thế nhưng, khi ký hợp đồng liên kết để hỗ trợ nông dân sản xuất, ứng dụng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của nhà nhập khẩu, thì mối liên kết này cũng chỉ thực hiện được 2 đến 3 vụ. Những vụ tiếp theo chính nông dân lựa chọn cách bán theo giá thị trường, chạy theo thương lái thu mua giá cao để xuất khẩu sang Trung Quốc, bỏ rơi doanh nghiệp phải tự xoay sở nguồn nguyên liệu.
Không những vậy, tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vẫn tồn tại. Các địa phương thiếu quy hoạch và cấp hạn ngạch cụ thể cho từng nông hộ, trang trại. Cách làm này dẫn đến tình trạng nông dân tự phát sản xuất khi chưa được phê duyệt, cấp phép của chính quyền địa phương, chưa xác định đầu ra rõ ràng.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó trưởng Phòng Cây lương thực và cây ngắn ngày, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đặc điểm của nông dân Việt Nam nói chung và nông dân khu vực Nam bộ nói riêng là chỉ muốn mưu sinh trên mảnh đất của chính mình. Vì vậy, khi đề cập đến liên kết thửa, phá bờ bao tạo cánh đồng lớn, thuận lợi hơn trong sản xuất thì cả chính quyền địa phương lẫn doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc thuyết phục. Trong khi đó, nông dân có tâm lý chạy theo phong trào, tự ý sản xuất mà không cần biết đầu ra.
Việc chạy theo thị trường, chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm đã vội đầu tư sản xuất, thiếu sự liên kết thu mua ổn định khiến người nông dân gặp khó.
Ông Huỳnh Chí Hiếu, nông dân nuôi lợn giống tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho biết, hộ nhà ông nuôi 1.800 con lợn nái, cung cấp 3.500 con lợn giống mỗi tháng. Tình trạng thịt lợn rớt giá như thời gian qua kéo theo đàn lợn giống không thể bán được. Nếu để lại nuôi thành lợn thịt thì ông không có đủ vốn đầu tư chuồng trại.

Trở ngại cho nông dân và doanh nghiệp

Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, người sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay chỉ có thể sản xuất với số lượng ít, chất lượng thấp. Khi nhà nhập khẩu muốn đặt hàng lớn, từng nông dân sẽ không thể đáp ứng được số lượng khách hàng yêu cầu. Đây là trở ngại cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp nhập khẩu.
Khi cần nguồn hàng lớn, doanh nghiệp phải thu gom của nhiều hộ nông dân mới có thể giao hàng số lượng lớn. Tuy nhiên, cách làm khiến chi phí hàng hóa, giá thành sản phẩm tăng lên, khó cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài khi sản xuất quy mô lớn. Trong khi đó, nhiều trang trại, hợp tác xã có khả năng phát triển, cung ứng hàng hóa số lượng lớn, chất lượng cao lại chưa được hỗ trợ thông thoáng từ chính sách.
Chẳng hạn, ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại bưởi da xanh tại huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương bắt đầu làm trang trại cách đây 34 năm, từ mảnh đất 1 ha đã mở rộng lên đến 11 ha như hiện nay. Kể từ khi bắt tay vào làm trang trại, ông Chiến tự lo nguồn vốn sản xuất cũng như đầu ra cho sản phẩm bưởi da xanh.
Theo ông Chiến, hiệu quả kinh tế mang lại từ trang trại rất lớn, với 7 ha bưởi, cho doanh thu 10 tỷ đồng/năm, trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận đạt 5 tỷ đồng/năm. Thực tế này cho thấy, kinh tế trang trại góp phần không nhỏ vào phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, hầu như nông dân làm trang trại khó tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hoặc phát triển nông nghiệp nói chung.
Ông Ưng Thế Lãm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại Toàn Cầu cho biết, doanh nghiệp gặp tình trạng nông dân "bỏ rơi", sẵn sàng hủy hợp đồng và bán hàng cho các thương lái mua với giá cao hơn. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải đầu tư trang trại để cung ứng nguyên liệu cho xuất khẩu. Đồng thời, đầu tư công nghệ cao trong sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu.
Ngoài ra, đối với doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện chính sách xét duyệt hồ sơ vay vốn thiếu đồng bộ. Hơn nữa, trường hợp được xét duyệt cho vay thì số tiền cũng chưa nhiều. Cụ thể, với tổng diện tích 11 ha, Công ty Toàn Cầu chỉ vay được 700 triệu đồng không đủ để xoay sở và trang bị đầu tư.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nông sản chia sẻ, hệ thống thương mại, tiêu thụ yếu kém là nguyên nhân làm giảm giá trị nông sản Việt Nam.
Cách sản xuất và tiêu thụ nhỏ lẻ, kém chất lượng, lại thiếu cơ chế chính sách quản lý hợp lý sẽ khó thúc đẩy nông dân lẫn doanh nghiệp phát triển. /.
Bài 2: Thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục