Giải pháp phát triển bền vững cho cây thanh long Bình Thuận

17:42' - 17/07/2018
BNEWS Tỉnh ủy Bình Thuận và UBND đã làm việc với các sở, ngành liên quan về giải pháp để phát triển bền vững cây thanh long.
Thu hoạch thanh long tại Bình Thuận. Ảnh:  Nguyễn Thanh/TTXVN
Tỉnh ủy Bình Thuận cùng Ủy ban nhân dân tỉnh đã có buổi làm việc với các sở, ngành liên quan về tình hình sản xuất, tiêu thụ cây thanh long trên địa bàn và đề ra giải pháp để phát triển bền vững cây thanh long.
Ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, để mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ thanh long ở thị trường trong và ngoài nước.
Hiện thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu vào thị trường 12 nước; trong đó, chủ lực là châu Á (chiếm 83%), châu Âu (khoảng 11%) và còn lại là châu Mỹ và châu Úc. Ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu thanh long sang Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc…
Tuy nhiên, hiện nay việc sản xuất và tiêu thụ thanh long vẫn còn một số khó khăn nhất định: hệ thống phân phối thanh long còn nhiều bất cập, chủ yếu theo kênh truyền thống, người nông dân tự sản xuất và tìm đầu mối tiêu thụ; thị trường tiêu thụ sản phẩm thanh long an toàn vẫn chưa được ổn định, chưa gắn kết thị trường nên giá sản phẩm không cao hơn so với sản phẩm sản xuất bình thường, do đó chưa khuyến khích được người dân tham gia sản xuất thanh long an toàn; hiệu quả công tác xúc tiến thương mại chưa cao, chưa mở rộng được việc xuất khẩu chính ngạch vào thị trường các nước.
Theo ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, để tiếp tục phát triển thanh long bền vững, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sản xuất thanh long an toàn, phấn đấu đến cuối năm 2018 có 10.000 ha thanh long VietGAP.
Để giữ vững thương hiệu cho thanh long, đặc biệt là thị trường xuất khẩu thanh long thế giới, tỉnh khuyến khích các cơ sở không thu mua thanh long không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; ưu tiên mua thanh long đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng với đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và nhân rộng các mô hình hiệu quả để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh nhằm phát triển thanh long bền vững.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng khuyến khích bà con chong đèn cho cây thanh long ra trái vụ theo nhiều chu kỳ trên một diện tích canh tác, tốt nhất là mỗi lứa thu hoạch cách nhau 20 ngày. Điều này giúp cho thu hoạch quả thanh long trải đều trong suốt chu kỳ, tránh tình trạng thu hoạch ồ ạt sẽ dễ dẫn đến giá thấp...
Trong những năm qua, cây thanh long của tỉnh Bình Thuận đã không ngừng tăng nhanh, cả diện tích và sản lượng. Bình Thuận hiện có diện tích thanh long nhiều nhất cả nước với 27.700 ha; tổng sản lượng 540.000 tấn/năm; trong đó, xuất khẩu chiếm 80%-85%.
Sản xuất thanh long đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Bình Thuận đang tích cực triển khai nhiều biện pháp tìm thị trường xuất khẩu, đồng thời đa dạng các sản phẩm từ trái thanh long để có hướng đi bền vững cho cây này.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai chương trình sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn, các sở, ngành liên quan, các địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ sản xuất thanh long an toàn theo hướng VietGAP.
Đến tháng 6/2018, diện tích thanh long được chứng nhận VietGAP là 9.510 ha, chiếm hơn 34% diện tích thanh long toàn tỉnh, với hơn 9.600 hộ nông dân tham gia.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã thành lập được 382 tổ hợp tác, nhóm liên kết và trang trại sản xuất thanh long. Việc sản xuất thanh long an toàn ngoài ý nghĩa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm thanh long Bình Thuận, còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nhất là môi trường đất và nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục