Gỡ "nút thắt" cho xuất khẩu những tháng cuối năm

16:56' - 08/08/2016
BNEWS Dự báo kinh tế và thương mại thế giới còn rất khó khăn và chính điều này đã tác động không nhỏ tới xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm.
Dự báo xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm. Ảnh: TTXVN

Với kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt 14,7 tỷ USD, giảm 0,2% so với tháng trước, nếu cộng gộp cả 7 tháng của năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 96,83 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, đây là mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 10% mà Quốc hội đề ra.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng tỏ ra lo ngại về tình hình trước mắt không mấy khả quan bởi dự báo kinh tế và thương mại thế giới còn rất khó khăn và chính điều này đã tác động không nhỏ tới cán cân thương mại của Việt Nam.

Vì thế, nếu không quyết liệt khai thác thị trường mới và thị trường tiềm năng cũng như thị trường truyền thống thì khả năng mức tăng trưởng xuất khẩu cả năm cũng chỉ dừng lại ở mức tăng trưởng 8%.

Đại diện cho Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) bà Phan Thị Diệu Hà lý giải, trong hai chỉ tiêu xuất khẩu và nhập khẩu thì riêng với nhập khẩu Việt Nam đã kiểm soát thành công nên mức xuất siêu là 1,9 tỷ USD. Đây là một trong những nội dung góp phần cho việc ổn định kinh tế vĩ mô cũng như bảo đảm nguồn tài chính cho đất nước.

Về xuất khẩu, theo bà Phan Thị Diệu Hà, mặc dù Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo quyết liệt nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhưng những tháng đầu năm thời tiết không thuận lợi, hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều mặt hàng nông sản.

Cùng với đó, sự suy yếu và bất ổn về chính trị tại một số thị trường xuất khẩu là nguyên nhân tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam.

Hơn nữa, giá dầu thô cũng tác động lớn đến xuất khẩu và nhập khẩu do những diễn biến khó lường. Việc các nước nhập khẩu tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật cũng như các nước có cơ cấu xuất khẩu những mặt hàng tương tự như Việt Nam gia tăng sản xuất khiến xuất khẩu thêm khó khăn.

Cần gỡ "nút thắt" cho xuất khẩu những tháng cuối năm.Ảnh: Vũ Sinh–TTXVN

Bà Phan Thị Diệu Hà cũng thừa nhận, sản xuất nội tại của các doanh nghiệp trong nước cũng là một trong những nguyên nhân cản trở xuất khẩu. Đơn cử với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, mặc dù đã thực hiện các biện pháp tái cơ cấu sản xuất nhưng vẫn ở qui mô nhỏ; nhiều nơi vẫn còn tự phát và theo thị trường.

Còn đối với mặt hàng công nghiệp là nhóm hàng luôn đóng góp xuất khẩu tăng trưởng lớn nhất trong những năm vừa qua, nhưng thời gian này nhóm hàng công nghiệp chế biến lại giảm so với cùng kỳ năm trước chứng tỏ nguồn hàng cho xuất khẩu có giảm đi.

Để gỡ nút thắt cho xuất khẩu trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát xem hệ thống văn bản; trong đó văn bản không phù hợp, gây cản trở cho việc xuất khẩu sẽ điều chỉnh ngay cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Cục Xuất Nhập khẩu cũng kêu gọi doanh nghiệp tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) bởi đây là một trong những nội dung tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Cục Xuất Nhập khẩu cũng đang phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin nâng cấp mức độ cấp C/O từ cấp độ 3 lên cấp độ 4 nhằm giúp tiết kiệm chi phí và thời gian. Cùng với đó, Cục còn kết nối với Vụ Thị trường trong nước cũng như Vụ Thị trường nước ngoài và các Thương vụ để thực hiện ngay chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương đẩy mạnh xuất khẩu.

Bà Phan Thị Diệu Hà cho biết thêm, hiện Cục cũng đang làm Đề án đối với nhóm hàng nông sản. Đây là nhóm hàng nhạy cảm nhất, dễ phát sinh và dễ có những tác động do thị trường trong nước cũng như sản xuất.

Đặc biệt, vào ngày 11/8 này sẽ có cuộc làm việc giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có biện pháp thiết thực, chính xác trong cân đối sản xuất cung cấp tới một số thị trường trọng điểm mà Việt Nam đang có rào cản.

Đứng trước nhiều thử thách nặng nề trên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã yêu cầu toàn ngành công thương thực hiện ngay các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu. Bởi theo Thứ trưởng, hiện ngành công thương đóng góp 60% cho GDP của đất nước, do vậy trong những tháng còn lại, toàn ngành phải nỗ lực rất lớn.

Theo đó, ngành tập trung rà soát lại những quy định liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu, cũng như cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm khơi thông thị trường xuất khẩu.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định: Bộ Công Thương sẽ tăng cường các giải pháp về thị trường, đồng thời ban hành hành các chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất qua đó nâng cao giá trị xuất khẩu.

Ngoài ra, đây là năm hoàn tất ký kết các hiệp định thương mại tự do mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Việt Nam - EU sẽ mở ra những cơ hội xuất khẩu mới cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Do vậy, Bộ Công Thương sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp giải quyết nhanh những khó khăn như thành lập đường dây nóng và giao cho Cục Xuất nhập khẩu trực tiếp xử lý.

Đồng thời, thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính, ban hành nhiều văn bản về hướng dẫn các cơ hội, thách thức từ các FTA cho doanh nghiệp…

Đối với những vấn đề ngoài thẩm quyền của Bộ Công Thương sẽ tập hợp và chuyển đến các Bộ, ngành liên quan, thực hiện tham mưu cho Chính phủ để tháo gỡ ngay khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu nhằm đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2016, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục