Doanh nghiệp Nhật tìm hiểu thông tin về xuất nhập khẩu thực phẩm

17:18' - 23/03/2016
BNEWS Các doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị cần thông tin rõ hơn về lệ phí, thời gian thẩm tra và đăng ký trực tuyến khai báo sản phẩm nhập khẩu.
Doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tìm hiểu thông tin về xuất nhập khẩu thực phẩm. Ảnh: TTXVN

Yêu cầu giấy chứng nhận kiểm dịch thực phẩm đối với thực phẩm chế biến; lệ phí, thời gian thẩm tra và đăng ký trực tuyến liên quan đến thủ tục đăng ký khai báo sản phẩm; thủ tục nhập khẩu thực phẩm có nguồn gốc động vật… là những vấn đề được các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, đề xuất tại cuộc họp “Liên lạc về thực phẩm” do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 23/3.

Ông Nakagawa Motohisa, đại diện cho các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, theo quy định của Việt Nam, hồ sơ cần thiết khi đăng ký kiểm dịch thực vật đối với thực phẩm chế biến phải gồm cả Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của cơ quan kiểm dịch có thẩm quyền của nước xuất khẩu, kể cả những thực phẩm chế biến có nguồn gốc từ thực vật như bơ lạc, chè túi lọc, gluten (chất đạm có trong một số loại ngũ cốc)…

Điều này, theo ông Nakagawa, đã gây khó khăn không thích đáng cho việc nhập khẩu thực phẩm chế biến.

Đặc biệt, với chế độ kiểm dịch từ Nhật Bản là “chế độ giúp ngăn chặn sự xâm nhập, lan tràn của sâu bệnh có hại tới thực vật, giữ gìn nền nông nghiệp và màu xanh”, các thực phẩm chế biến có nguồn gốc từ thực vật “sạch” đã có đủ độ tin cậy.

Mặt khác, các thực phẩm chế biến đã qua công nghệ xử lý thực vật công nghệ cao thông thường không phải là vật thể gây sâu bệnh lan tràn tới thực vật.

Về vấn đề này, ông Lê Sơn Hà, Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, hiện nay yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với gluten nhập khẩu phải tiếp tục thực hiện do thực tế vẫn còn những sản phẩm gluten khi xét nghiệm có vi sinh vật gây hại.

Nếu phía doanh nghiệp Nhật Bản muốn được miễn thủ tục này, cần cung cấp thêm cho các cơ quan chức năng thông tin chi tiết về quá trình chế biến.

Liên quan đến lệ phí, thời gian thẩm tra và đăng ký trực tuyến khai báo sản phẩm nhập khẩu, các doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị cần thông tin rõ hơn về cơ chế thực hiện, làm sao để khi xin phép trực tuyến thời gian cần thiết phải được tuân thủ theo luật định nhằm xóa bỏ những hành vi vi phạm, làm minh bạch, cũng như giúp việc thực hiện thủ tục đăng ký sản phẩm được thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, từ cuối năm 2014, thủ tục đăng ký trực tuyến đã được triển khai và cho đến nay nhận được sự phản hồi rất tích cực từ các doanh nghiệp.

Việc cấm hoàn toàn gặp gỡ giữa doanh nghiệp và nhân viên làm thủ tục đã khiến các hành vi vi phạm không thể phát sinh. Nhiều khả năng một số doanh nghiệp không làm thủ tục trực tiếp mà thuê một đối tác khác làm, do đó phát sinh thêm phí, thêm thời gian, gây sự hiểu lầm.

Thời gian tới, thủ tục đăng ký khai báo sản phẩm sẽ được rút ngắn hơn nữa, có thể kiểm tra trên hồ sơ mà không cần lấy mẫu sản phẩm. Tuy nhiên, việc lấy mẫu đột xuất sẽ được thực hiện nếu có nghi ngờ.

Về thủ tục nhập khẩu thực phẩm có nguồn gốc động vật, các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn được áp dụng ngoại lệ, giản lược các thủ tục để rút ngắn thời gian sản phẩm tới tay nhà nhập khẩu Việt Nam, đảm bảo tính an toàn đồng thời giảm bớt chi phí bảo quản thực phẩm.

Ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện JETRO tại Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, việc trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và các cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp Nhật Bản có được nhiều thông tin về các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, từ đó quyết định tăng đầu tư vào Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục