Grab thâu tóm Uber: Cần hoàn thiện khung khổ pháp luật để bảo vệ người tiêu dùng

12:47' - 29/03/2018
BNEWS Nhiều người lo ngại loại hình taxi công nghệ do Grab độc quyền có thể tự ý tăng giá cước...
Grab thâu tóm Uber: Cần hoàn thiện khung khổ pháp luật để bảo vệ người tiêu dùng. Ảnh minh họa: Grab

Việc Grab chính thức thâu tóm Uber ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày qua. Đặc biệt, nhiều người lo ngại loại hình taxi công nghệ do Grab độc quyền có thể tự ý tăng giá cước...

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, ở góc độ taxi công nghệ, khi Grab thâu tóm Uber sẽ thống lĩnh thị trường bởi trước đây có hai doanh nghiệp, nhưng nay chỉ còn Grab sẽ xảy ra tình trạng độc quyền. Kéo theo đó nảy sinh nhiều hệ lụy và khách hàng không có sự lựa chọn, có thể còn phải chấp nhận giá do nhà cung cấp dịch vụ đưa ra.

Tại Việt Nam, Uber và Grab bản chất không còn là kinh tế chia sẻ, đa số lái xe đầu tư mua xe để kinh doanh và nhiều người trong số đó đã vay tiền ngân hàng mua xe. Trong trường hợp họ vi phạm các điều kiện hoạt động của Grab, tài khoản sẽ bị khóa mà không thể chuyển sang ứng dụng Uber và sẽ mất nghề mưu sinh.

“Khi thị trường có sự độc quyền sẽ gây bất lợi cho người tiêu dùng cũng như người lao động và Nhà nước cần có cơ chế, chế tài để điều chỉnh”, ông Long nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, không nên quá lo lắng Grab sẽ độc quyền. Thời điểm này đã có nhiều thay đổi khi một số doanh nghiệp taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun, Thành Công cũng đã xây dựng phần mềm để cạnh tranh với Grab. Vấn đề là các doanh nghiệp cần xây dựng một phần mềm đủ mạnh để có thể cạnh tranh.

Tuy nhiên, ông cũng lo ngại khi gần đây tại Ấn Độ rất nhiều lái xe điêu đứng vì Uber. Giống như Việt Nam, không ít lái xe tại Ấn Độ cũng đầu tư mua xe ô tô kinh doanh và khi Uber tăng tỷ lệ chiết khấu đẩy lái xe vào nguy cơ phá sản, dẫn đến đình công, gây bất ổn xã hội.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Hiệp hội Taxi Hà Nội, vấn đề taxi truyền thống và Uber, Grab thời gian qua được đề cập khá nhiều, nhưng có những vấn đề cần phải xem xét như giá cước Uber, Grab "nhảy múa" vào giờ cao điểm, lễ tết nên khách hàng lại chuyển sang đi taxi truyền thống.

Luật sư Nguyễn Văn Cường, Công ty Luật An Viên, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội cho hay, việc Uber về tay Grab đang gây sự chú ý, nhưng đây sẽ là thuốc thử tốt để xem phản ứng từ người tiêu dùng. Nếu Grab độc quyền tự tăng giá cước hoặc giá cước cao thì đây lại là cơ hội để người tiêu dùng so sánh với taxi truyền thông.

Uber nhượng lại hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab. Ảnh minh họa: EPA/TTXVN

Anh Văn Như Thắng, Hà Nội, lái xe Uber bày tỏ lo lắng khi Uber về cùng "một nhà" với Grab: Rất có thể khả năng chiết khấu cho Grap có thể sẽ tăng lên 30 - 35% trong thời gian tới và khi đó không còn chuyện dọa chuyển Uber nữa, nhất là thu nhập của lái xe có thể bị giảm đáng kể.

Còn chị Thanh (quân Thanh Xuân, Hà Nội), một khách hàng thường xuyên đi Uber cho hay, chị rất ngạc nhiên khi nhận được mail thông báo của Uber về việc cần cài đặt ứng dụng Grab để sử dụng dịch vụ sau ngày 8/4. Chị có cảm tình với Uber vì phần mềm định vị tốt hơn, chất lượng dịch vụ cũng ổn, giá thấp hơn của Grab. Nay thay đổi, chỉ còn mình Grab sợ không còn đối thủ cạnh tranh, giá cước sẽ cao hơn.

Có một số người tiêu dùng khác cùng sử dụng hai loại Grab và Uber khi được hỏi cũng tỏ ra hụt hẫng vì từ nay không còn có sự so sánh lựa chọn khi hai loại taxi công nghệ này về cùng "một nhà". Chị Hằng nhà ở 39 Nguyễn Thị Định, Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Từ trước tới nay tôi thường xuyên sử dụng Grab và Uber, cứ lúc nào cái nào rẻ thì tôi dùng. Tuy nhiên, hiện chỉ còn Grab thì các chương trình giảm giá có bị cắt đi hay không và đây là những thiệt thòi cho người tiêu dùng".

Còn chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng, việc Uber về tay Grab tại Việt Nam là “bình thường và là kết quả tất yếu của quy luật cạnh tranh”. Trên thực tế, Uber cũng đã rút khỏi Trung Quốc và việc ra khỏi thị trường châu Á là chủ trương lớn của Uber.

Theo ông Sanh, để khách hàng và lái xe không bị thiệt thòi, vai trò của cơ quan chức năng mà cụ thể là Bộ Giao thông Vận tải rất quan trọng. Cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện thể chế và phải vì lợi ích người dân chứ không thể vì lợi ích của doanh nghiệp dù là Grab hay taxi truyền thống.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, với điều kiện kinh doanh vận tải, điều kiện kinh doanh là công khai, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể gia nhập thị trường. Quan điểm nhất quán của các cơ quan quản lý nhà nước là có giải pháp quản lý để phát huy được ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các loại hình kinh doanh vận tải.

“Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải đã đưa ra các quy định để quản lý toàn bộ các nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải có ứng dụng phần mềm nói chung, không phải quản lý đơn vị xây dựng phần mềm quản lý vận tải”, bà Hiền nói.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Phan Thị Thu Hiền cho biết thêm, hiện vẫn còn những tranh cãi về việc định danh, định dạng quản lý taxi công nghệ. Dự thảo thay thế Nghị định 86/NĐ-CP đã đưa ra định nghĩa về kinh doanh vận tải để từ đây chiếu vào đối tượng nào kinh doanh vận tải hay không. Dự thảo cũng đưa ra nội dung quản lý đối với taxi công nghệ và xe hợp đồng có ứng dụng phần mềm kết nối. Hai nội dung trên được quy định khá chặt chẽ trong dự thảo Nghị định trên tinh thần phát huy ứng dụng công nghệ thông tin, không cản trở ứng dụng hoạt động này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục