Hà Nội đẩy mạnh xã hội hóa xử lý nước thải làng nghề

09:32' - 22/07/2017
BNEWS Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng nước thải tại các làng nghề hầu như không được xử lý đều xả thẳng ra môi trường.
Hà Nội đẩy mạnh xã hội hóa xử lý nước thải làng nghề. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các các làng nghề Hà Nội được cảnh báo từ lâu, đang làm suy giảm môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Nước thải tại các làng nghề ở Hà Nội hầu như không được xử lý đều xả thẳng ra môi trường, với lượng nước thải mỗi ngày lên tới hơn 156.000 m3 từ 1.300 làng nghề trên địa bàn thành phố. Đây là vấn đề mà các cơ quan quản lý của Hà Nội "đau đầu" để tìm lối thoát cho các làng nghề, vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo hài hòa môi trường. 

Chỉ số ô nhiễm vượt hàng chục lần cho phép

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội chưa đầy 10 km nhưng sự nhếch nhác và tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động tái chế nhựa, thu gom phế thải, lông vũ... của làng Triều Khúc và Yên Xá (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) đang ở mức báo động.

Toàn bộ nước thải của các cơ sở sản xuất đều xả thẳng ra môi trường khiến hệ thống nước mặt xung quanh làng Triều Khúc bị ô nhiễm nặng.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, người làng Triều Khúc cho biết, tiếng ồn khi chặt, xay nhựa và mùi hôi từ nhựa tái chế gây ô nhiễm không khí. Hầu hết các ao, hồ trong làng đều không thể nuôi được cá do tiếp nhận lượng nước thải lớn từ làng nghề.

Trên khắp các ngõ nhỏ của làng Triều Khúc, nơi tập trung chủ yếu các hộ làm nghề xay xát và tái chế nhựa của xã Tân Triều có thể thấy các bao tải nhựa phế liệu được thu gom về chất đống ở các bờ tường, bên cạnh các lối đi, có chỗ còn cao ngang mái nhà.

Các rãnh thoát nước trong làng, mặc dù được bê tông hóa song vẫn bốc mùi hôi thối do nước thải từ hoạt động sản xuất của các hộ làm nghề trong làng đều xả thẳng xuống cống chung mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nước thải nào.

Toàn bộ nước thải của các cơ sở sản xuất trong làng đều được xả thẳng ra môi trường khiến hệ thống nước mặt xung quanh Triều Khúc bị ô nhiễm nặng. Hầu hết các ao hồ trong làng đều không thể nuôi được cá do tiếp nhận một lượng nước thải do sản xuất rất lớn. Ngay cạnh trụ sở UBND xã, đầu ra của cống nước thải chung của xã, nước đen ngòm và thường xuyên bốc mùi, nhất là vào những ngày nắng nóng.

Còn tại xã Vân Hà, huyện Đông Anh, một trong những làng nghề truyền thống chế biến đồ gỗ cũng ô nhiễm không khí và nguồn nước nghiêm trọng. Bởi phần lớn các gia đình ở đây đều sản xuất theo hướng tự phát, nên các xưởng gỗ nằm xen lẫn trong khu dân cư.

Anh Nguyễn Quốc Hùng, trú tại thôn Thiết Bình, xã Vân Hà cho biết, bụi nhiều nhất ở khâu chà gỗ, không chỉ làm ô nhiễm không khí mà còn gây ô nhiễm nguồn nước. Những giếng không được đậy kín dính đầy bụi gỗ và không thể dùng trong sinh hoạt hàng ngày.

Theo kết quả khảo sát mới đây của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội và Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, nhiều quận, huyện vẫn có chỉ số ô nhiễm làng nghề vượt quá 30 lần cho phép. 100% làng nghề được quan trắc đều có ít nhất 3 chỉ tiêu phân tích vượt tiêu chuẩn. Nguồn nước ngầm, nước mặt đều có các chỉ tiêu sinh học hoặc kim loại nặng khá cao…

Đáng lo ngại, một số địa phương chưa nhận thức rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về môi trường. Trong khi đó, không ít người dân không quan tâm bảo vệ môi trường sống của chính mình. 

Đầu tư các dự án xử lý nước thải 

Hầu hết nước thải sản xuất tại các làng nghề của Hà Nội đều được thải thẳng ra môi trường với mức độ ô nhiễm cao mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nào.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hàm lượng các chất ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn Coliform trong nước thải làng nghề đều vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, cá biệt, có nơi lên tới hàng nghìn lần.

Với hàm lượng các chất ô nhiễm cao, việc xả thẳng nước thải khối lượng lớn tại các làng nghề ra môi trường khiến hệ thống nước mặt cũng như nước ngầm tại các làng nghề Hà Nội rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng nhiều năm qua.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề xảy ra nghiêm trọng, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, UBND Thành phố Hà Nội triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đầu tư kinh phí, kêu gọi hợp tác đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải.

Nhà máy xử lý nước thải tập trung Cầu Ngà, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức đã đi vào vận hành, với công suất 20.000m3/ngày đêm, góp phần xử lý nước thải của 3 xã có làng nghề trong lưu vực sông Nhuệ gồm: Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế.

Dự kiến, Hà Nội sẽ hoàn thành thêm Nhà máy xử lý nước thải xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, với công suất 8.000m3/ngày đêm, nhằm tiếp nhận nước thải của khu vực xã Đắc Sở, Yên Sở, Sơn Đồng, Đức Giang, Tiền Yên, xử lý đạt các chỉ tiêu môi trường trước khi xả ra sông Nhuệ.

Hiện Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức), công suất 4.000m3/ngày đêm đang được xây dựng, nhằm tiếp nhận nước thải của 4 xã: Vân Canh, Kim Chung, Lại Yên, Di Trạch.

Cùng với các dự án kể trên, thành phố đã phê duyệt Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ khí, kim khí xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, với công suất 1.000m3/ngày đêm; đang xem xét phê duyệt điều chỉnh công suất Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô từ 84.000m3/ngày đêm lên 98.000m3/ngày đêm, dự kiến quý III/2017 sẽ khởi công…

Ngoài ra, vào những tháng mùa khô, thành phố triển khai bổ cập nước sông Hồng vào sông Nhuệ, Đáy để cải thiện chất lượng nước; đồng thời triển khai dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy cho 2 con sông đang hứng nguồn nước thải từ các làng nghề.

Cùng với việc thúc đẩy xã hội hóa, nghiên cứu cơ chế ưu đãi thu hút các doanh nghiệp đầu tư xử lý nước thải, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh những nỗ lực của chính quyền thành phố, các doanh nghiệp sản xuất và mỗi người dân làng nghề cần có ý thức thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, bởi đó cũng là cách để bảo vệ chính mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục