Hậu Giang ưu tiên xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

17:26' - 08/06/2017
BNEWS Hậu Giang sẽ ưu tiên xúc tiến đầu tư, nhất là các nguồn vốn có yếu tố nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng cao, ứng phó biến đổi khí hậu cũng như lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Ngày 8/6, tại cuộc họp thẩm định quy hoạch các dự án ưu tiên vận động thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tỉnh Hậu Giang, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh sẽ ưu tiên xúc tiến đầu tư, nhất là các nguồn vốn có yếu tố nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng cao, ứng phó biến đổi khí hậu cũng như lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các sở, ngành, địa phương, tổng nhu cầu vốn FDI đến năm 2020 là rất lớn, gần 900 triệu USD, tương đương hơn 19.000 tỷ đồng, với tổng số 31 dự án. Đó là các dự án thuộc nhóm dự án cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp; nhóm dự án khoa học công nghệ; nhóm dự án nông nghiệp; nhóm dự án y tế; nhóm dự án công nghiệp và nhóm dự án thương mại, du lịch.

Theo ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Hậu Giang, đại diện đơn vị tư vấn quy hoạch các dự án ưu tiên vận động thu hút nguồn vốn FDI tỉnh Hậu Giang, dự báo khả năng huy động vốn có yếu tố nước ngoài (ODA, FDI, NGO) đến 2020 của Hậu Giang đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tương đương hơn 4 triệu USD, chiếm gần 11% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, vốn FDI dự kiến thu hút hơn 7.000 tỷ đồng, tương đương hơn 300 triệu USD, chiếm hơn 8% vốn đầu tư huy động trên địa bàn tỉnh; bình quân thu hút gần 65 triệu USD/năm.

Một số giải pháp của tỉnh đưa ra để thu hút vốn FDI như: hỗ trợ về giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư; khuyến khích các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hỗ trợ nhà đầu tư cung ứng và đào tạo lao động; đối với cac dự án có quy mô lớn, có vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, sử dụng công nghệ cao, ngoài các quy định chung của Chính phủ, nhà đầu tư được tỉnh xem xét cơ chế hỗ trợ ưu đại đặc thù.

Cùng với đó, tỉnh tiến hành tổng rà soát, điều chỉnh, phê duyệt và công bố các quy hoạch về kết cấu hạ tầng đến năm 2020; làm tốt công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất.

Nhất là tập trung thu hút đầu tư sớm để lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch chi tiết; khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng từ 2 đến 3 tầng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Đặc biệt, tỉnh tiếp tục đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Có các chính sách vận động thu hút đầu tư các đối tác là các tập đoàn đa quốc gia và các đối tác trọng điểm như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hậu Giang xây dựng và thực hiện tốt chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2016 – 2020; triển khai thành lập bộ phận xúc tiến đầu tư tại địa bàn trọng điểm; hỗ trợ các dự án đang triển khai hoạt động nhằm thông qua các nhà đầu tư để quảng bá thêm hình ảnh về môi trường đầu tư tại tỉnh.

Hiện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 27 dự án FDI còn hiệu lực, trong đó có 4 dự án trong các khu, cụm công nghiệp tập trung và 23 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp. Các dự án đến từ 9 quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hà Lan, Canada, Malaysia… với tổng vốn đăng ký là hơn 700 triệu USD, chiếm gần 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong 10 năm từ 2006 – 2015./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục