Đưa sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu phát triển kinh tế bền vững

15:54' - 18/05/2024
BNEWS Năm 2024, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu xây dựng 16 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, tiếp tục phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 158 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có 2 sản phẩm OCOP tiềm năng hạng 5 sao; 32 sản phẩm OCOP hạng 4 sao và 124 sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Các sản phẩm OCOP  tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của tỉnh được các khách hàng trong nước và quốc tế tin dùng như cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, sản phẩm chế biến từ măng nứa, măng bát độ, nhóm dược liệu như: tinh bột nghệ, trà chanh đào mật ong, thổ cẩm dân tộc... Tỉnh Hòa Bình cũng đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại để kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm OCOP chủ lực rộng rãi trên thị trường cả nước.

 
Theo đề án Chương trình OCOP của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2030, về phát triển sản phẩm, tỉnh đặt mục tiêu chuẩn hóa thêm 160 sản phẩm, phấn đấu tổng số sản phẩm chuẩn hóa tới năm 2030 là 210 sản phẩm; phát triển mới ít nhất 100 tổ chức kinh tế, nâng cấp 40-50 tổ chức đã có tham gia Chương trình OCOP.

Năm 2024, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu xây dựng 16 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, tiếp tục phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, thúc đẩy, khuyến khích các phong trào phụ nữ, thanh niên, trí thức trẻ tích cực nghiên cứu phát triển sản phẩm OCOP mới, đặc thù gắn với địa phương; triển khai một số mô hình về bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP.

Tỉnh Hòa Bình đang tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP, rà soát các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh đăng ký tham gia chương trình OCOP. Hàng năm, phấn đấu chuẩn hóa từ 16 sản phẩm OCOP đạt từ ba sao trở lên; hướng tới phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao) từ các sản phẩm OCOP cấp tỉnh có chất lượng, sản lượng và hiệu quả kinh tế cao như cam Cao Phong, các dòng sản phẩm chế biến từ cá sông Đà, từ măng tre các loại và một số sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, ông Đinh Công Sứ nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tiếp tục huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị để phát huy được sức mạnh thông qua đưa Chương trình OCOP vào nghị quyết của cấp ủy đảng các cấp; kế hoạch, chương trình chỉ đạo trọng tâm của chính quyền địa phương; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường đào tạo, tập huấn, hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ việc áp dụng, tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất.

Ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, Chương trình OCOP đã phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương. Thông qua thực hiện chương trình đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, là giải pháp quan trọng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Tỉnh Hòa Bình đang nỗ lực thực hiện chủ trương đưa sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu phát triển bền vững, qua đó tăng cường xúc tiến thương mại và thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ chung cho cả chương trình; quảng bá rộng rãi Chương trình OCOP, tiêu chí của các sản phẩm OCOP đến rộng rãi người tiêu dùng trên địa bàn. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu OCOP với các sản phẩm bảo đảm chất lượng, giá cả cạnh tranh, số lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hòa Bình hỗ trợ các sản phẩm tham gia chương trình Gian hàng Việt trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Sendo.vn, Voso.vn, Postmart.vn, Shopee.vn, Lazada.vn và tham gia các sàn thương mại điện tử trong nước.

Là một trong những đơn vị có sản phẩm nông nghiệp đạt OCOP đầu tiên của huyện Kim Bôi được chứng nhận 4 sao. Hợp tác xã Green Life, xã Hợp Tiến (Kim Bôi) với sản phẩm mật ong rừng, nhờ chú trọng cải tiến quy trình, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ vào quá trình sản xuất, sản phẩm mật ngày càng khẳng định được chất lượng trên thị trường, được khách hàng gần xa tin tưởng, ưa chuộng.

Xã Hợp Tiến nổi tiếng với khu rừng đặc dụng rộng hơn 5.000 ha, nơi đây có nhiều loài cây dược liệu quý như xạ đen, ba kích… Với ý tưởng phát triển nghề nuôi ong lấy mật, nhiều thanh niên trên địa bàn có chung chí hướng đã thành lập và phát triển hợp tác xã Green Life. Hiện nay, hợp tác xã có 11 thành viên và các hộ nuôi ong vệ tinh trên địa bàn, tập trung chủ yếu tại các xóm Thượng Tiến, Lươn, Vãng…

Mật ong từ lâu nay đã được người tiêu dùng biết đến là sản phẩm có rất nhiều công dụng như chữa bệnh, hỗ trợ phục hồi sức khỏe, làm đẹp hay dùng trong chế biến thức ăn...Với những công dụng tuyệt vời của mật ong đem lại, như bao hộ dân trong cả nước, bà con ở Hợp Tiến từ lâu cũng tự sản xuất mật ong để phục vụ gia đình.

Anh Đinh Công Thuần, Giám đốc Hợp tác xã Green Life, xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi cho biết, sản phẩm mật ong rừng Hợp Tiến đạt chất lượng sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2023. Hợp tác xã cũng luôn hướng đến các sản phẩm tốt nhất để đưa ra thị trường cũng như đến tận tay người tiêu dùng. Qua đó, hợp tác xã phải tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ số đảm bảo về sản phẩm, đặc biệt hướng dẫn chi tiết và bổ sung kiến thức nuôi trồng cho các xã viên sản xuất mật ong tại các hộ gia đình.

Hợp tác xã Green Life đã đi vào hoạt động ổn định, sản lượng mật ong đạt 60.000 lít/năm với tổng thu nhập trên 12 tỷ đồng/năm. Sản phẩm mật ong Hợp Tiến được gắn nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và đóng chai, lọ thể tích 1 lít, 500ml, 350ml. Mẫu mã, hình thức đẹp mắt, sang trọng, chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Anh Bùi Văn Trang, thành viên Hợp tác xã Green Life, xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi cho biết, cơ sở tại gia đình được hợp tác xã đầu tư. Từ nguồn vốn đến kỹ thuật nuôi, đóng chai, bảo quản sản phẩm... được hợp tác xã hướng dẫn tận tình, chi tiết. Mật ong rừng sau khi được thu về tập kết sẽ được tiệt trùng, đóng chai bằng 2 hình thức vào chai thủy tinh và chai nhựa, can nhựa. Từ khi tham gia vào hợp tác xã, kinh tế gia đình đạt được những thành quả nhất định và không ngừng được phát triển.

Ông Bùi Thanh Thụ, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi nhấn mạnh, với sự cố gắng, nỗ lực của các thành viên trong hợp tác xã, cùng sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Hợp tác xã Green Life tin tưởng rằng mật ong rừng Hợp Tiến sẽ góp phần chuyển đổi phương thức sản xuất mới cho người dân, hướng đến thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu mật ong rừng Hợp Tiến trở thành sản phẩm nông sản tiêu biểu, vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế.

Có thể nói, Chương trình OCOP được triển khai đã tạo điều kiện cho các địa phương thuộc tỉnh Hòa Bình sản xuất ra nhiều hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của vùng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Các tổ chức kinh tế, cá nhân được hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm đã có, tư vấn phát triển sản phẩm để hoàn thiện về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, giấy tờ liên quan, hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục