Hội thảo quốc tế "Khoa học để phát triển" sẽ diễn ra trong tháng 5/2018

18:23' - 22/02/2018
BNEWS Hội thảo quốc tế với chủ đề “Khoa học để phát triển” sẽ diễn ra từ ngày 9-10/5/2018, tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức bởi Tổ chức Khoa học và giáo dục Gặp gỡ Việt Nam (Hội GGVN) với mục đích đối thoại khoa học giữa các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, đại diện của các tổ chức quốc tế.

Chủ tịch Hiệp hội Gặp gỡ Việt Nam, Giáo sư Trần Thanh Vân. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Hội thảo "Khoa học để Phát triển" sẽ thảo luận về tình hình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững cũng như các viễn cảnh tương lai của nó, dưới góc nhìn của giới khoa học, công nghệ và đổi mới. Hội thảo cũng nhằm cung cấp một cái nhìn đa chiều về việc thực hiện Chương trình, với sự đóng góp của các nước đang phát triển từ các khu vực khác nhau.

Để bổ sung việc đánh giá thực hiện Chương trình nghị sự 2030, các cuộc thảo luận bàn tròn dự kiến khác sẽ đề cập đến các tác động kinh tế và xã hội của khoa học đối với xã hội, sự đóng góp của khoa học với việc hoạch định chính sách và sự liên quan của khoa học với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hội thảo “Khoa học để Phát triển” cũng tập trung vào mục đích khuyến khích thảo luận và chuẩn bị các đề xuất cụ thể về vai trò của khoa học trong việc khuyến khích các cuộc đối thoại đa văn hoá và hòa bình, cũng như về vai trò của khoa học trong việc khởi xướng đưa ra các cảnh báo sớm và đề xuất các giải pháp giải quyết.

Khám phá và tìm hiểu về các cơ chế liên quan đến khoa học đối với sự phát triển có thể giúp nhiều quốc gia trong sự đầu tư của họ vì điều đó có thể giúp để đạt được thành công trong việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc ở cấp quốc gia.

Chủ tịch Hiệp hội Gặp gỡ Việt Nam, Giáo sư Trần Thanh Vân cho biết, trong tương lai, khoa học Việt Nam sẽ có những chuyển biến mới, đi sâu vào những con đường mới. Vì thế, chỉ có thế hệ trẻ mới có thể làm được điều này. Việt Nam cần phải đầu tư nhiều hơn cho thế hệ trẻ vì đây chính là tương lai của Việt Nam. 

Tiếp nối của các cuộc thảo luận đã bắt đầu từ năm 2016, hội thảo dự kiến tổ chức lần này sẽ đi xa hơn và đề cập đến vai trò của khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng cho sự phát triển bền vững của xã hội.

Mặc dù tính lợi ích của khoa học được công nhận rộng rãi trong xã hội nhưng dường như các nhà khoa học thường không có dịp tham gia sớm vào các cuộc thảo luận để giải quyết các vấn đề lớn của xã hội cũng như trong việc xây dựng các chính sách có liên quan.

Để giải quyết vấn đề này, cần thiết lập các cầu nối giữa các nhà khoa học, các nhà ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các nhà kinh doanh và các nhà hoạch định chính sách ở tất cả các cấp độ.

Như vậy, xã hội mới có thể tận dụng tối đa các lợi ích mà khoa học có thể mang lại, cả về sự đóng góp trực tiếp vào việc giải quyết các vấn đề cụ thể trước mắt cũng như việc thiết lập các mô hình để giải quyết các vấn đề phức tạp dài hạn.

Khoa học giữ một vai trò đầy tiềm năng trong việc thực hiện chương trình này trên nhiều khía cạnh: nó có thể cung cấp phương thức thực hiện, công nghệ và tính sáng tạo cần thiết giúp các quốc gia có các động thái thích hợp để biến mục tiêu thành hành động.

Khoa học cũng có thể giúp xác định các cơ chế giúp nâng cao hiệu quả trong việc chuyển giao kiến thức và công nghệ. Cuối cùng, các mô hình hoạt động của khoa học có thể giúp đảm bảo triển khai các mục tiêu đặt ra, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển, có hiệu quả.

Hội thảo liên ngành này được sự bảo trợ của Chủ tịch nước Việt Nam và Tổng thống Cộng hoà Pháp và nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Châu Âu, Tổ chức Văn hoá và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) và Viện Solvay (thuộc Tập đoàn Solvay, Vương quốc Bỉ).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục