Thúc đẩy chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp

11:55' - 22/01/2018
BNEWS Ngành nông nghiệp sẽ ưu tiên cao nhất cho nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất các loại giống chất lượng cao, công nghệ chế biến, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch...
Ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2018, ngành nông nghiệp tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Đặc biệt, ưu tiên cao nhất cho nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất các loại giống chất lượng cao, công nghệ chế biến, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường đầu tư vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ.

Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện 59 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Nhà nước thuộc Chương trình Công nghệ sinh học nông nghiệp và thủy sản, 15 nhiệm vụ thuộc Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 14 nhiệm vụ và 2 chương trình mới thuộc Chương trình sản phẩm quốc gia. Nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ sẽ thực hiện 246 đề tài/dự án, 8 nhiệm vụ bảo tồn gen....Ngoài ra, Bộ cũng sẽ xây dựng 203 tiêu chuẩn, quy chuẩn; trong đó, có 62 tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyển tiếp và 141 tiêu chuẩn, quy chuẩn mới.

Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đề án “Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch”; xây dựng đề án “Nâng cao năng lực về chế biến nông sản xuất khẩu”. Cùng với đó, hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường chế biến sâu các sản phẩm có lợi thế thị trường và chuyển đổi cơ cấu sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng.

Cùng với sự tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp chế biến đã đạt được những kết quả khả quan góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giảm tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm thô, tăng tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm qua chế biến. Song song đó, hình thành thêm nhiều cơ sở chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như các loại nước hoa quả, thủy sản chế biến, dầu cá tinh luyện, gelatin…

Nhờ vậy, mức độ tổn thất sau thu hoạch đã giảm đáng kể, điển hình lúa gạo đã giảm từ khoảng 13% xuống còn khoảng 10%.... Mức độ cơ giới hóa nông nghiệp ở khâu làm đất lúa đạt 93% (Đồng bằng sông Cửu Long đạt 98%), mía đạt 82%, ngô, sắn đạt 70%.

Trong khâu gieo, trồng, lúa gieo bằng công cụ xạ hàng và cấy đạt 40%, mía khoảng 30%, cao su đạt 70%. Khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa đạt 68%; xới cỏ, phun thuốc bảo vệ thực vật cho chè, mía đạt 70%. Khâu thu hoạch lúa 50% (Đồng bằng sông Cửu Long 82%); mía khoảng 20%; hái chè đạt 25%; sấy chủ động 55%, thu gom, cuốn rơm vùng Đồng bằng sông Cửu Long làm nguyên liệu trồng nấm, thức ăn chăn nuôi 80%.

Nhờ tăng cường áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, mức độ tăng trưởng số lượng máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp tăng 1,5-2% so với năm 2016./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục