Hơn 10 nghìn vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái bị xử lý mỗi năm

14:41' - 25/05/2016
BNEWS Trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý khoảng 10.000 vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng.
Hội thảo với chủ đề “Chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của doanh nghiệp”. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, riêng năm 2015 lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra 38.059 vụ; phát hiện 25.123 vụ vi phạm và xử phạt hành chính 68 tỷ đồng với tổng trị giá hàng vi phạm trên 536 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Trọng Tín, tuy đạt được một số kết quả đáng kể nhưng nhìn chung công tác chống hàng giả vẫn còn nhiều bất cập, chưa được như mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân cũng như doanh nghiệp.

Nguyên nhân chủ yếu do phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng phức tạp, tinh vi, cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ, chưa hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao, và sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi.

"Công tác chống hàng giả không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự tham gia một cách chủ động, tích cực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh", ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết tại Hội thảo “Chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vai trò doanh nghiệp” vừa diễn ra ngày 25/5 tại Hà Nội.

Theo ông Lê Thế Bảo vai trò của hiệp hội và doanh nghiệp là rất quan trọng trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Hiệp hội phối hợp cùng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ sản phẩm cho các doanh nghiệp, tổ chức hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm để nhận biết phân biệt các dấu hiệu hàng thật, hàng giả.

Cung cấp, hỗ trợ cho các lực lượng thực thi, tổ chức trao đổi về thực trạng hàng giả hàng nhái trên thị trường, sản xuất, vận chuyển, phân phối.

Ông Nguyễn Anh Ngọc, Trưởng phòng Nhãn hiệu và xử lý vi phạm, Công ty cổ phần Sở hữu công nghiệp Investip, từ kinh nghiệm của công ty cho thấy, việc xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu có thể điều tra để tìm ra được đơn vị sản xuất hoặc đầu mối nhập khẩu hàng giả.

Mặc dù vậy, đây là công việc rất khó khăn và nguy hiểm, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng trong việc điều tra và xử lý vi phạm.

Tham dự hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trên thị trường hiện đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính đầu tư thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến để làm ra nhiều mặt hàng có chất lượng, giá cả cạnh tranh, phù hợp với người tiêu dùng, với bao bì hàng hoá luôn được cải tiến hoặc dán tem chống giả để tránh bị làm giả.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc công bố tình trạng hàng giả đối với sản phẩm của mình sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, khiến người tiêu dùng không muốn mua sản phẩm của doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp lo ngại, nếu công bố đặc điểm hàng thật, hàng giả, đối tượng sản xuất hàng giả sẽ biết được đặc điểm hàng thật để tiếp tục sản xuất hàng giả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục