Hợp tác xã kiểu mới: Luồng gió mới cho kinh tế tập thể

07:08' - 21/09/2016
BNEWS Hơn ba năm sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực, ở nhiều địa phương, các mô hình hợp tác xã kiểu mới được thành lập và vận hành đã mang lại hiệu quả bước đầu cho kinh tế hợp tác xã.
Các mô hình hợp tác xã kiểu mới đã mang lại hiệu quả bước đầu cho kinh tế hợp tác xã. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Đặc biệt, tại Thanh Hóa, mô hình này đang trở thành đòn bẩy cho nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.

Đến với vùng đất Thanh Hóa những ngày đầu thu, những hợp tác xã nông nghiệp nơi đây như được khoác trên mình chiếc áo mới, nhất là sau khi chuyển đổi theo mô hình kiểu mới.

Đã không còn cảnh đất bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm vì không có xã viên chăm sóc mà thay vào đó là những ruộng dưa hấu Hắc Mỹ Nhân, những ruộng rau an toàn xanh um tràn đầy nhựa sống.

Phải chăng, Luật Hợp tác xã 2012 như một luồng gió mới giúp kinh tế tập thể vực dậy phát triển mạnh mẽ hơn.

Cẩm Thủy là huyện đầu tiên trong tỉnh Thanh Hóa có 100% hợp tác xã đã chuyển đổi hoạt động theo hình thức hợp tác xã kiểu mới với 18 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp.

Sau chuyển đổi, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ  phát triển kinh tế hộ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi.

Cùng với đó, các hợp tác xã kiểu mới đã chủ động mở rộng các loại hình dịch vụ kinh doanh, là cầu nối tạo mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình tại hợp tác xã nông nghiệp Nga Yên, ông Mai Đăng Bắc - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Nga Yên (Nga Sơn - Thanh Hóa) cho biết, sau khi chuyển đổi mô hình, ngoài việc thực hiện tốt các khâu dịch vụ truyền thống, như: thủy lợi, bảo vệ thực vật, bảo vệ sản xuất, cung ứng vật tư nông nghiệp... đáp ứng xu thế phát triển của xã hội nói chung, lĩnh vực kinh tế tập thể nói riêng, Hợp tác xã nông nghiệp Nga Yên đã bổ sung một số khâu dịch vụ mới như: làm đất, thu mua sản phẩm nông nghiệp, gieo sạ, gặt đập liên hợp,  mạ khay, máy cấy...

Theo ông Mai Đăng Bắc, từ khi các khâu dịch vụ đi vào hoạt động đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân. Điển hình như dịch vụ gieo sạ lúa bằng giàn kéo đã giúp nông dân giảm từ 30-50% chi phí sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế trên từng đơn vị diện tích.

Không chỉ vậy, để tạo đầu ra bền vững cho sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã đã thâm nhập thị trường, đấu mối với các doanh nghiệp có địa chỉ tin cậy để thu mua, chế biến sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.

"Khâu dịch vụ này đã làm thay đổi căn bản hoạt động sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nông dân được tiếp cận với các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các quy trình sản xuất đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn, năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đặc biệt, hợp tác xã đã đầu tư xây dựng được một kho lạnh có sức chứa 40 tấn để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch", Giám đốc Hợp tác xã cho hay.

Các hộ dân trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: TTXVN

Không chỉ với Nga Sơn, mà ngay cả với xã nông thôn mới Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa là vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap đã được mở rộng lên gần 25 ha.

Hiện nay, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và điện năng Hoằng Hợp đã thực hiện bao tiêu tới 70% sản phẩm. Rau an toàn Hoằng Hợp đã có mặt tại Siêu thị BigC, Co-op Mart và nhiều trường học trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.

Theo thống kê, trồng rau an toàn cho thu nhập từ 180 - 200 triệu đồng/ha/năm, cao hơn gấp 4 - 5 lần so với trồng các loại rau màu trước đây. Cùng với đó, hợp tác xã cũng đã ký kết hợp đồng với các công ty cung ứng hàng trăm tấn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm chất lượng, được nhân dân tin tưởng.

Đặc biệt hơn là mô hình cơ giới hóa đồng bộ mà hợp tác xã triển khai đang phát huy hiệu quả, giúp nông dân tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận từ 15-20%.

Ông Nguyễn Chí Công, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và điện năng Hoằng Hợp cho biết, tháng 8/2015, hợp tác xã đã hoàn thành chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Với vai trò hỗ trợ và phát triển nông nghiệp trên địa bàn xã, bên cạnh việc bao tiêu sản phẩm rau an toàn, hợp tác xã  hướng tới việc tập trung chuyển giao khoa học công nghệ cho các mô hình sản xuất, nỗ lực để mang lại thu nhập ngày càng cao cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Thanh Hóa chia sẻ, để Luật Hợp tác xã năm 2012 phát huy hiệu quả, tới đây, Liên minh Hợp tác xã tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các hợp tác xã trong quá trình chuyển đổi.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cơ chế hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, xây dựng thương hiệu hàng hóa, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hưng, các đơn vị chức năng nên thường xuyên tổ chức tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm về phát triển kinh tế tập thể, nhất là phát triển hợp tác xã kiểu mới... qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Đây được ví như “luồng gió mới” cho khu vực kinh tế tập thể nhằm siết chặt quan hệ kinh tế giữa hợp tác xã và các thành viên, tối đa hóa lợi ích cho các thành viên, phản ánh đúng bản chất của một tổ chức hợp tác xã là phục vụ, hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục