Kiên Giang tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tập thể

20:03' - 17/09/2016
BNEWS Đến tháng 8/2016, tỉnh Kiên Giang có hơn 2.200 tổ hợp tác với hơn 52.000 tổ viên và gần 210 hợp tác xã với 64.000 thành viên, sản xuất trên diện tích 44.000 ha và vốn điều lệ trên 118 tỷ đồng.
Kiên Giang tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tập thể. Ảnh minh họa: Phạm Kha–TTXVN
Kinh tế tập thể được xem là có tầm quan trọng việc nâng cao chất lượng và hiệu quả sản phẩm. Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp, có xu hướng giảm. Vì vậy, tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể đã và đang được tỉnh Kiên Giang tập trung chỉ đạo thực hiện. 

Bà Đặng Tuyết Em, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang cho rằng, hoạt động của hợp tác xã kiểu mới ví như một doanh nghiệp nhỏ; trong đó khâu quản lý rất quan trọng. Hướng tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp tổ chức tập huấn cho các giám đốc, tổ trưởng tổ hợp tác xã. Việc cần nhất là phải thay đổi phương thức sản xuất phù hợp với vật liệu sản xuất và tư liệu sản xuất. Từ đó mới đạt được mục đích nâng cao hiệu quả mô hình hợp tác xã và nâng cao đời sống xã viên. Cùng với đó, liên kết với các doanh nghiệp lựa chọn một số hợp tác xã tiêu biểu thí điểm liên kết, lựa chọn phương thức phù hợp để hợp tác hai bên cùng có lợi; hỗ trợ hợp tác xã sản xuất sản phẩm sạch; tiếp tục hỗ trợ hợp tác xã về kỹ thuật sản xuất, vốn và cách quản trị. 

Bà Đặng Tuyết Em, nhấn mạnh: “Hiện nay, xu hướng dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp đang phát triển nhanh. Đây là sự chuyển dịch đúng hướng, đúng với chủ trương, nghị quyết của Đảng. Do đó, các hợp tác xã cần liên kết để thực hiện cơ giới hóa, điện giới hóa và khí giới hóa để giảm chi phí”. 

Một trong những việc cần phải làm là Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang cần tích cực chủ động xây dựng chương trình, đề án cụ thể để thực hiện các chính sách về phát triển kinh tế tập thể; triển khai đồng bộ các giải pháp, củng cố và đổi mới các tổ chức kinh tế tập thể theo chiều sâu trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc hợp tác xã, tổ hợp tác theo Luật hợp tác xã năm 2012; chú trọng xây dựng mô hình tiên tiến, mô hình mới để nhân rộng trong tỉnh. Đối với các hợp tác xã, tổ hợp tác cần chủ động, sáng tạo phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm; khai thác tốt tiềm năng sẵn có, đoàn kết các hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo hiệu quả, đúng pháp luật. 

Cùng với giải quyết những vấn đề nêu trên, các ngành chức năng cần vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của Nhà nước để các hợp tác xã tiếp cận một cách thuận lợi nhất. Các ngân hàng cũng cần nghiên cứu hỗ trợ cho các hợp tác xã vay vốn trung dài hạn để đầu tư các công trình phục vụ sản xuất, nhất là các công trình bảo quản lúa sau thu hoạch 

Đến tháng 8/2016, tỉnh Kiên Giang có hơn 2.200 tổ hợp tác với hơn 52.000 tổ viên tham gia và gần 210 hợp tác xã với 64.000 thành viên, sản xuất trên diện tích 44.000 ha, tổng vốn điều lệ là trên 118 tỷ đồng. Những năm qua, các hợp tác, hợp tác xã tăng cường củng cố về tổ chức, nâng cao trình độ quản lý đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh đa dịch vụ, nâng cao lợi ích của các thành viên. Một số khâu trong quá trình sản xuất đã mang lại hiệu quả, nhất là bơm tát tập trung, dịch vụ làm đất, thu hoạch, cung ứng cây con giống, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, các hợp tác xã còn làm nòng cốt trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Theo ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang, nhờ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất mà nhiều hộ nông dân vươn lên khá giả. Tuy nhiên, giá trị sản xuất nông nghiệp của hợp tác xã vẫn còn thấp, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã chưa tuân thủ quy định của Luật hợp tác xã năm 2012; chưa có sự liên kết với các thành phần khác; thiết bị máy móc vẫn còn hạn chế, vẫn loay hoay với phương thức sản xuất cũ kỹ, lạc hậu dẫn đến làm ăn thua lỗ làm ảnh hưởng không tốt hình ảnh, mô hình của kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, tư tưởng trông chờ ỷ lại sự bao cấp của nhà nước vẫn còn khá phổ biến. Nhiều hợp tác xã chưa mạnh dạn phát triển quy mô, mở rộng ngành nghề để tăng thu nhập; các chính sách hỗ trợ cho kinh tế tập thể vẫn còn gặp nhiều khó khăn. 

Để các hợp tác xã hoạt động tốt trong thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã Kiên Giang đã tham mưu với Tỉnh ủy kiện toàn lại Ban chỉ đạo kinh tế tập thể tỉnh; báo cáo tổng kết việc triển khai hợp tác xã theo Luật hợp tác xã năm 2012. Bên cạnh đó, Liên minh hợp tác xã tỉnh cũng đã ký liên tịch với với các ngân hàng để các thành viên hợp tác xã vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Liên kết với các doanh nghiệp làm cầu nối để bao tiêu sản phẩm làm ra; đầu tư về vốn, giống, kỹ thuật… Để từ đó hợp tác xã có cánh đồng lớn, có nguyên liệu làm ra sản phẩm đưa ra thị trường ổn định. /. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục