Hướng đến sự hoàn chỉnh trong hoạch định chính sách phát triển KTXH

16:50' - 04/11/2015
BNEWS Các số liệu thống kê phải bảo đảm yêu cầu kịp thời, trung thực, có căn cứ khoa học và thực tiễn là những ý kiến mà nhiều đại biểu đã chia sẻ bên lề kỳ họp Quốc hội về sửa đổi Luật Thống kê 2015.
Số liệu thống kê phải bảo đảm yêu cầu kịp thời, trung thực, có căn cứ khoa học và thực tiễn; số liệu thống kê phải là con số đúng, con số biết nói và cần có kỷ cương trong Luật Thống kê… là những ý kiến mà được nhiều đại biểu quốc hội đã chia sẻ bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII ngày 4/11 về sửa đổi Luật Thống kê 2015. 

* Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, đoàn Thái Bình: Số liệu thống kê phải có căn cứ khoa học và thực tiễn 

Tôi nhất trí với việc ban hành Luật Thống kê (sửa đổi) với phạm vi điều chỉnh cả hoạt động thống kê nhà nước và ngoài nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thống kê; qua đó góp phần giúp Chính phủ đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược và điều hành chính sách vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế. 

Với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh hoạt động thống kê ngoài nhà nước, Luật sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động này phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong xã hội về sử dụng thông tin thống kê phục vụ cho nghiên cứu, sản xuất kinh doanh và các nhu cầu hợp pháp khác. 

Xuất phát từ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của thông tin thống kê nhà nước trong hoạt động quản lý nhà nước cũng như trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thì việc dự thảo Luật có nhiều quy định hơn, sâu hơn đối với hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê do hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thực hiện là phù hợp. 

Tổ chức thống kê nhà nước được ngân sách bảo đảm nguồn lực và mục đích của hoạt động thống kê nhà nước là nhằm cung cấp thông tin phục vụ các cơ quan nhà nước trong đánh giá, phân tích, dự báo, hoạch định chiến lược, chính sách, thực hiện chức năng quản lý nhà nước và đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, tôi đồng ý dự thảo Luật Thống kê sửa đổi là không quy định tổ chức thống kê nhà nước thực hiện dịch vụ thống kê ; đồng thời, quy định rõ thời hạn và trách nhiệm của tổ chức thống kê nhà nước phải công bố, phổ biến thông tin thống kê, bảo đảm yêu cầu kịp thời, trung thực, có căn cứ khoa học và thực tiễn. 

Tôi cho rằng, Luật Thống kê thuộc dạng luật chuyên ngành, tương tự như các luật chuyên ngành về thương mại, kế toán, hải quan, thuế... Cho nên, Luật Thống kê cũng cần phải có quy định về thời hạn cụ thể đối với các công việc thuộc trách nhiệm của các cơ quan tham gia vào hoạt động thống kê nhà nước, quy định về thời hạn đối với chế độ báo cáo thống kê. 

* Đại biểu Trần Ngọc Vinh, Đoàn Quốc hội chuyên trách thành phố Hải Phòng: Cần có kỷ cương trong Luật Thống kê 

Đại biểu Trần Ngọc Vinh. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS

Nếu như không có kỷ cương trong Luật Thống kê và có kỷ luật trong thống kê để cho các Bộ, ngành tự tính toán sẽ không tốt. Do đó, tôi đề nghị thống kê phải có tính kỷ luật, có những quy định bắt buộc để cho người dùng số liệu tin vào số liệu thống kê đó. Ví dụ như: thống kê của các quận, huyện, các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành và đặc biệt là thống kê quốc gia có vai trò rất quan trọng nhằm cung cấp số liệu thống kê để cho Chính phủ hoạch định các chính sách; các Bộ, ngành biết được số thực tế của ngành để báo cáo, điều hành. 

Tôi cho rằng, nếu số liệu thống kê sai lệnh mà thống kê theo kiểu báo cáo thành tích thì rất nguy hiểm. Chúng tôi yêu cầu Luật Thống kê phải quy định một cách chặt chẽ và thể hiện được những số liệu thống kê là chính xác. 

Hiện nay, Tổng cục Thống kê đang nằm trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là cơ quan giúp Chính phủ hoạch định các chính sách. Do đó, nếu cơ quan Thống kê Trung ương mà đứng độc lập, thực hiện vai trò thẩm định thông tin thống kê của các Bộ, ngành thì sẽ nâng cao chất lượng thông tin thống kê của các ngành và lĩnh vực. 

Như vậy, cơ quan thống kê này như là cơ quan thẩm định, thì mới sát hơn. Hiện nay, các Bộ, ngành hay địa phương nào cũng thích thành tích nên có thể làm tròn con số lên, lấy số nọ bù số kia theo cách tính của Bộ, ngành, địa phương, không phải theo cách của thống kê. Tôi ví dụ, hầu hết tăng trưởng GDP các tỉnh, thành phố đều tăng cao, nhưng khi cộng vào tăng trưởng GDP của cả nước lại thấp. Như vậy, số liệu thống kê đã không chính xác. 

* Đại biểu Bùi Sỹ lợi, Đoàn Thanh Hóa: Xử lý số liệu thống kê là con số biết nói

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS

Rõ ràng số liệu báo cáo thống kê của các địa phương để thực hiện mục tiêu khác nhau thì số liệu khác nhau. Ví dụ thành tích thì số liệu sẽ thông thoáng hơn, nó sẽ được “đẹp” hơn. Nhưng số liệu để thực hiện các chính sách có ưu đãi, có hỗ trợ của Nhà nước thì lại tăng “vống” lên. Nhất là các số liệu khi xây dựng các báo cáo để thực hiện công tác thi đua khen thưởng thì số liệu càng khác biệt xa. 

Đây là một thực trạng, cho nên chúng ta cần xử lý số liệu thống kê là số liệu đúng, là con số biết nói, con số thực để con số này phản ánh đúng thực trạng kinh tế xã hội của đất nước. Quan trọng số liệu đó làm cơ sở khoa học và thực tiễn để hoạch định chính sách, điều chỉnh chính sách cho đúng. Đây là yêu cầu rất lớn. Sửa Luật Thống kê lần này là phải giải quyết được bài toán đó. 

Trong Dự thảo Luật Thống kê sửa đổi lần này, chúng ta có yêu cầu tất cả các báo cáo thống kê của địa phương, cơ quan Thống kê Trung ương phải thẩm định lại, thẩm định về tính đúng đắn, thẩm định về độ chính xác, thẩm định về thời điểm và nếu như không đúng thì Cơ quan Thống kê Trung ương có quyền yêu cầu các địa phương phải báo cáo lại cho chính xác. 

Như vậy, trong dự thảo Luật lần này chúng ta bổ sung các cơ chế, quan trọng là xử lý sự đúng đắn của các số liệu thống kê địa phương. Đối với Tổng cục Thống kê ở Trung ương đã kiến nghị bổ sung vào Luật một cơ chế tư vấn, giúp cho Thủ tướng Chính phủ để xem xét lại số liệu thống kê của Cơ quan Trung ương có chính xác hay không? Cơ quan thống kê Trung ương thẩm tra các địa phương và các Bộ, ngành. Nhưng cơ quan nào sẽ thẩm tra số liệu chính xác và tin cậy của Thống kê Trung ương. Theo tôi, cần phải có một hội đồng tư vấn thống kê quốc gia. 

Tôi thấy rằng, hội đồng này sẽ không ảnh hưởng đến bộ máy hành chính; sẽ là một cơ quan tư vấn cho Chính phủ, mục tiêu là để thẩm định đánh giá độ chính xác của số liệu thống kê. Thứ hai là hội đồng này hoàn toàn do Thủ tướng thành lập, có đại diện của Cơ quan thống kê Trung ương, có đại diện của các Bộ, ngành tham gia; chủ tịch hội đồng tư vấn thống kê quốc gia do Thủ tướng bổ nhiệm là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc là ai đó mà Thủ tướng quyết định. Hội đồng này không phải là bộ máy Nhà nước nhưng có tác dụng tư vấn. Hội đồng này không có quyền quyết định số liệu thống kê nhưng tư vấn về tính chính xác về các yếu tố quyết định làm cho số liệu này đáp ứng được yêu cầu của xã hội. 

Có nên có chế tài xử lý hình sự đối với số liệu thống kê sai hay không? Tôi cho rằng, về cơ bản, các số liệu phải được đảm bảo nhưng nếu cố tình không báo cáo trung thực thì chúng ta sẽ phải xử lý hành chính. Nhưng có những chỉ tiêu hết sức quan trọng liên quan đến kinh tế - xã hội - chính trị, quốc phòng, an ninh.. nếu như cơ quan thống kê cố tình thay đổi công bố không đúng. Tôi cho rằng, đây cũng là yếu tố “vụ lợi” mà có hại đến kinh tế - chính trị - xã hội thì cũng nên hình sự hóa các nội dung này./. 

Thành Trung-Thuý Hiền (Thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục