IEA: Mỹ sẽ trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới trong năm 2018

10:13' - 22/01/2018
BNEWS Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định Mỹ có thể sẽ vượt Saudi Arabia trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai thế giới sau Nga trong năm nay.
Trạm bơm tại mỏ dầu Kern River ở Bakersfield, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong báo cáo thị trường hàng tháng vừa công bố, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định Mỹ có thể sẽ vượt Saudi Arabia trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, sau Nga trong năm nay, trong bối cảnh các công ty sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đẩy mạnh hoạt động khai thác nhờ giá dầu ngày một gia tăng trên thị trường thế giới. 

IEA cho rằng năm 2018 hứa hẹn là một năm kỷ lục của Mỹ. Báo cáo của IEA cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ hiện ở mức 9,9 triệu thùng/ngày, mức cao nhất trong gần 50 năm qua, và con số này cũng đang tiệm cận mức sản lượng của Saudi Arabia, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới sau Nga. IEA đánh giá rằng với đà tăng trưởng liên tục, sản lượng dầu thô của Mỹ có thể đạt mức lịch sử trên 10 triệu thùng/ngày, vượt Saudi Arabia và cạnh tranh với Nga trong năm 2018, với điều kiện là thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tiếp tục được duy trì. 

Tình trạng dư cung trên thị trường thế giới đã kéo giá dầu xuống mức thấp 30 USD/thùng hồi đầu năm 2016. Tuy nhiên, các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC đã đạt được một thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác nhằm vực dậy giá dầu vào cuối năm 2016. Những căng thẳng địa chính trị và sự sụt giảm trong các kho dự trữ cũng đã góp phần thúc đẩy sự phục hồi của giá dầu. 

Giá dầu mới đây đã vọt lên trên mức 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014, sau khi các nước sản xuất trong và ngoài OPEC nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tới cuối năm 2018. Giá dầu tăng đã và đang khuyến khích các công ty dầu đá phiến của Mỹ tăng cường hoạt động khai thác. Do Mỹ không phải là một bên tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng, hoạt động sản xuất dầu đá phiến của nước này sẽ không bị ảnh hưởng. Sản xuất dầu đá phiến là một vấn đề gây tranh cãi, vì để khai thác dầu và khí đốt, một hỗn hợp gồm nước, cát và hóa chất được bơm sâu xuống dưới lòng đất để giải phóng hydrocarbon mắc kẹt giữa các lớp đá. Các nhà môi trường cho rằng quá trình này, được biết đến là công nghệ khoan thủy lực, có thể làm ô nhiễm nguồn nước ngầm và thậm chí gây ra các trận động đất nhỏ. 

IEA cho hay Mỹ đã ghi nhận mức tăng trưởng sản lượng dầu ngoài mong đợi trong năm 2017, khi ngành công nghiệp dầu đá phiến phục hồi trở lại. Theo IEA, sự tăng trưởng bùng nổ của Mỹ cũng như đà tăng đáng kể tại Canada (Ca-na-đa) và Brazil (Bra-xin) sẽ bù đắp cho sự suy giảm mạnh có thể xảy ra tại Venezuela (Vê-nê-xu-ê-la) và Mexico (Mê-hi-cô). 

Theo IEA, các nhà sản xuất OPEC đã thực hiện 95% cam kết cắt giảm sản lượng. Trong đợt cắt giảm đầu tiên kể từ năm 2013 này, tổng sản lượng của tổ chức gồm 14 thành viên này đã giảm từ 39,6 triệu thùng/ngày xuống còn 39,2 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, sự tuân thủ thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của các nhà sản ngoài OPEC lại ít nghiêm túc hơn và không đủ mạnh, khi chỉ 82% cam kết được thực hiện trong năm 2017. Trong khi đó, IEA cho biết, mức tăng sản lượng của Mỹ đã "bù" vào gần 60% các mức cắt giảm theo khuôn khổ thỏa thuận này. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục