Khi niềm tin bị đánh cắp

10:59' - 07/10/2017
BNEWS Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Ban Chấp hành TƯ Đảng đã quyết định cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho thôi chức Ủy viên Trung ương Đảng với ông Nguyễn Xuân Anh.
Ông Nguyễn Xuân Anh. Ảnh: TTXVN

Mặc dù Đảng, Nhà nước ta luôn có chủ trương thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng tài năng trẻ nhưng nhìn lại lịch sử 87 năm của Đảng, ngoài Tổng Bí thư Trần Phú trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 26 tuổi thì chưa có ai ở độ tuổi trên dưới 30 giữ cương vị này, và trên thực tế, cũng hiếm người được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương ở độ tuổi trên.

Vì thế, chuyện ông Nguyễn Xuân Anh, từ một phóng viên vào năm 1999, sau 12 năm kinh qua một vài vị trí công tác, trở thành một trong 2 ủy viên dự khuyết trẻ nhất của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, khi mới 35 tuổi đã trở thành “hiện tượng” của làng báo và cũng là hình mẫu để giới trẻ phấn đấu.

Đặc biệt, khi ông được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 vào tháng 10/2015 và ngày 26/1/2016, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, ông được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2016 – 2021 thì những kỳ vọng của người dân Đà Nẵng cũng như của giới trẻ vào ông Xuân Anh ngày càng lớn hơn bao giờ hết.

Báo chí đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để truyền tải những thông điệp “có gang, có thép” cũng như những phát ngôn gây sốc, những câu nói đánh trúng vào lòng dân của vị lãnh đạo trẻ này, như “Thành phố chính thức tuyên chiến với các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy”, “Tiết kiệm là vinh dự, lãng phí là xúc phạm đến lòng tin của dân, tham nhũng là có tội với nhân dân”; “Không khoan nhượng với nạn chạy chức, chạy quyền, cán bộ lợi dụng chức quyền để vun vén cá nhân; kiên quyết chống thị trường ngầm và thương mại hóa công tác tổ chức cán bộ"…

Thậm chí, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Việt cũng trích lại câu nói của ông trong một bài báo, rằng, “Không có gì qua mắt được nhân dân. Phải làm sao để người dân cảm thấy được tôn trọng và phát biểu ý kiến của mình. Càng dân chủ thì càng minh bạch, càng công khai và chống tham nhũng sẽ hiệu quả hơn. Việt Nam đang thiếu sự minh bạch này”.

Chuyến vi hành đầu tiên sau khi nhậm chức Bí thư của ông là bãi rác Khánh Sơn đã làm nức lòng người dân khi ấy.

Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu ông nói được và làm được. Được Đảng tin tưởng và giao phó trọng trách là Bí thư một thành phố lớn đầy tiềm năng, được coi là thành phố đáng sống nhất Việt Nam; được dân tin với năng lực, sự xông pha của tuổi trẻ, không ngại đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực, những tưởng ông Xuân Anh sẽ làm được rất nhiều cho dân, cho nước. Nhưng…

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra rằng ông Nguyễn Xuân Anh vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Những việc làm của ông đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy.

Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm. Thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội. Với cương vị là người đứng đầu Thành ủy, ông cũng phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Trong ngày làm việc thứ 3 (6/10) của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho thôi chức Ủy viên Trung ương Đảng với ông Nguyễn Xuân Anh.

Một góc Đà Nẵng về đêm. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Những kỳ vọng bị đổ vỡ, niềm tin bị đánh cắp.

Dư luận đặt câu hỏi nếu không phải là hậu duệ, ông Xuân Anh có thăng tiến nhanh đến vậy? Phải chăng chính vì sự chín non, chín ép ấy đã dẫn đến hệ lụy như hôm nay? Sớm buông mình trước những mua chuộc, cám dỗ. Hai năm ngắn ngủi đánh đổi cho gần 20 năm đã cống hiến và tương lai sán lạn của 20 năm tiếp theo, khi quan lộ còn thênh thang rộng mở, ai cũng cho rằng đó là điều đáng tiếc. Và với nhiều người, đó là điều không ngờ tới, một cái giá quá đắt. Đau lòng!

Truyền lửa cho thanh niên thành phố trong một buổi nói chuyện vào tháng 3/2016, ông Xuân Anh từng nói “Các bạn cũng phải ước mơ một ngày ào đó sẽ làm bí thư, chủ tịch, phó bí thư… chứ không thể cam chịu làm đoàn viên mãi được”. Ai cũng có quyền xây cho mình một ước mơ, nhưng ở tuổi ông, đặt chân được đến nấc thang chính trị đó, thật hiếm. Ngoài kia, vẫn có biết bao thanh niên đang miệt mài cống hiến, có biết bao người giỏi, người tài được cả quốc tế ghi nhận, nhưng, họ vẫn chật vật lắm với miếng cơm, manh áo.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Người tài thời nào cũng vậy, vẫn luôn cần được rèn giũa, như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Cán bộ trẻ sớm trưởng thành càng phải biết khắc chế mình trước những cám dỗ, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh chính trị.

Từ sự việc này, một lần nữa, việc lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ lại được đặt ra thận trọng hơn bao giờ hết. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã chia sẻ với báo giới sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, rằng “công tác cán bộ giống như gieo hạt giống, phải theo dõi xem nó phát triển thành cây như thế nào. Đánh giá con người phải hết sức khách quan và rất trong sáng, nội bộ mà không trong sáng thì khó đánh giá lắm… Như Bí thư Đà Nẵng, người ta có ý kiến, có phản ánh trước đó, tôi cũng vào và nói rồi. Không phải dân không biết, Đảng bộ không biết, mà họ biết nhưng không nói, không nói trong tổ chức nhưng bên ngoài người ta nói”, “Sức đề kháng của mỗi đảng viên, dù ở cấp thấp hay cao đều phải có dũng khí giữ gìn. Còn có sai, có kỷ luật, dứt khoát phải làm”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục