Khởi nghiệp từ niềm đam mê - Bài 1: Tỷ phú từ mô hình nấm trong phòng thí nghiệm

07:07' - 24/12/2017
BNEWS Năm 2016, doanh thu từ các mặt hàng nấm của công ty lên gần 6 tỷ đồng và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 đoàn viên, thanh niên với thu nhập lên tới 7 triệu đồng/tháng.
Bịch nấm đã phát triển, sẵn sàng cho thu hái mỗi ngày. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN

Với tinh thần khởi nghiệp sôi động trên khắp cả nước, tại huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La), nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đang nỗ lực tự thân lập nghiệp từ niềm đam mê làm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Anh Vì Văn Bình (dân tộc Thái, sinh năm 1987) đến với mô hình trồng nấm từ niềm đam mê nông nghiệp ngay khi ngồi trên giảng đường. Khi tỉnh Sơn La là vựa ngô lớn nhất nhì cả nước, người dân chỉ biết dùng lõi ngô làm củi hoặc vứt bỏ, anh Bình đã nhận thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp từ phụ phẩm này.

Năm 2008, khi đang là sinh viên năm 2 Khoa Nông lâm, Trường Đại học Tây Bắc, anh bắt đầu thu mua lõi ngô, cùng các thầy cô thực hành mô hình thí nghiệm. Sau nhiều công thức khác nhau, mô hình trồng nấm trên lõi ngô được đánh giá có tiềm năng, chất dinh dưỡng trong lõi ngô là điều kiện chuyển hóa cơ bản để nấm phát triển.

Năm 2010, anh tốt nghiệp đại học và trở về quê nhà tại bản Áng, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La). Đến năm 2011, anh bắt đầu cùng 5 người bạn mở Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Sơn La nhằm phát triển mô hình trồng nấm đã được thực hành trong phòng thí nghiệm.

Anh Vì Văn Bình cho biết: Dù anh rất hiểu về cây nấm, nắm chắc kỹ thuật trồng nấm nhưng việc chuyển đổi trồng nấm từ quy mô thí nghiệm sang sản xuất quy mô lớn và liên tục, không đơn giản. Điều kiện khác nhau giữa môi trường thí nghiệm và thực tế làm nấm phát sinh bệnh hại, kéo theo vấn đề năng suất không đạt yêu cầu. Khó khăn về tài chính khiến cho công ty sau hai năm hoạt động từ 6 cổ đông ban đầu chỉ còn 3 người.

Không chịu khuất phục, anh Bình tiếp tục nghiên cứu và điều chỉnh kỹ thuật trồng nấm cho phù hợp với mỗi loại nấm và thời tiết mùa vụ. Đối với lõi ngô dùng để trồng nấm, anh Bình chỉ thu mua trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau.

Nhà treo nấm của Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Sơn La do thanh niên Vì Văn Bình làm giám đốc cung cấp 10 tấn nấm tươi/ngày, và 5 tấn nấm khô/năm. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN

Theo anh Bình, ngoài thời điểm này, người dân thường sử dụng chất chống mọt để bảo quản lõi ngô, chất hóa học này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng nấm bán ra.

Đến nay, mỗi ngày, Công ty của anh Vì Văn Bình xuất khoảng 10 tấn nấm tươi cho khắp các thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngoài sản xuất nấm tươi quanh năm, công ty còn sản xuất nấm khô, sản lượng trung bình khoảng 5 tấn/năm.

Năm 2016, doanh thu từ các mặt hàng nấm của công ty lên gần 6 tỷ đồng và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 đoàn viên, thanh niên với thu nhập lên tới 7 triệu đồng/tháng.

Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban Hoàng Văn Xương cho biết: Với những người có nhu cầu, anh Vì Văn Bình sẵn sàng cung cấp giống, tập huấn và chuyển giao công nghệ. Hiện mô hình trồng nấm đã được nhận rộng rộng tại nhiều bản, tiểu khu trong và ngoài xã.

Ngoài 3 trại nấm đang hoạt động trên tổng diện tích khoảng 2ha, anh Vì Văn Bình còn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch nấm cho 7 điểm nhập giống vệ tinh ở các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Sốp Cộp, Sông Mã và Mộc Châu.

Các loại nấm tươi và nấm khô do Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Sơn La sản xuất dự kiến sẽ đưa xuống tiêu thụ tại các siêu thị thực phẩm sạch tại Hà Nội theo chương trình kết nối chuỗi thực phẩm an toàn của Liên minh Hợp tác xã Sơn La.

Song song với mặt hàng nấm, Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Sơn La đang mở rộng hướng sản xuất và kinh doanh rau an toàn; đồng thời là đầu mối bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ đoàn viên, thanh niên, đưa rau sạch của họ vào hệ thống tiêu thụ của công ty.

>>> Tạo vốn ưu đãi cho thanh niên khởi nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục