Khơi thông dòng chảy cho thị trường nội địa

16:47' - 24/04/2017
BNEWS Việc bắt tay hợp tác để hình thành chuỗi giá trị đang được các doanh nghiệp sản xuất và các nhà phân phối xem như giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa trong nước.

Khi đã hội nhập sâu rộng, Việt Nam bắt buộc phải trở thành một "sân chơi" chung của doanh nghiệp toàn khu vực và thế giới. Điều này đã trở thành áp lực lớn cho ngành bán lẻ Việt vốn còn non trẻ so với những tập đoàn toàn cầu, có hàng trăm năm kinh nghiệm.

Áp lực cạnh tranh thị trường bán lẻ. Ảnh: TTXVN

Chính vì vậy, việc bắt tay hợp tác để hình thành chuỗi giá trị đang được các doanh nghiệp sản xuất và các nhà phân phối xem như giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa trong nước.

* Nội địa "yếu thế"

Thời gian qua, gia cầm từ Trung Quốc, trâu bò lậu từ Campuchia, Lào vào Việt Nam gây xáo trộn và khó khăn cho tình hình chăn nuôi trong nước. Hơn nữa, dịch bệnh cũng từ đó lây lan khiến chủ trại thua lỗ do phải bán dưới giá thành.

Mặt khác, là một nước thuần nông nên nông sản, rau củ quả của Việt Nam luôn phong phú, đa dạng. Thế nhưng, trong khi tỏi và hành tím của Việt Nam bị ế đọng, nông dân trồng không bán được thì tại thị trường Quảng Tây - Trung Quốc đang có rất nhiều tỏi và hành từ tận Myanmar vòng qua Trung Quốc rồi "tuồn" vào Việt Nam.

Ngoài hành tỏi còn có cả cả khoai tây Trung Quốc đội lốt Đà Lạt, cam, quýt giả danh Hà Giang, Hòa Bình và vô vàn các mặt hàng khác được nhập khẩu từ Trung Quốc về tổng kho tại làng Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) và khu vực phường Hòa Đình (Tp. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) để tiêu thụ sâu vào thị trường nội địa.

Không chỉ Trung Quốc, mà ngay cả hàng hóa Thái Lan cũng đã tràn vào và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam qua các cửa khẩu, các cửa hàng tiện lợi và ngay cả các hội chợ triển lãm.

Đơn cử một sản phẩm như xoài đang nông dân Nam bộ đang trồng được và mang lại thu nhập cao để xuất khẩu. Thế nhưng, xoài Thái Lan lại được người tiêu dùng Việt ưu ái hơn nhiều so với sản phẩm trong nước.

Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Trong phát triển thương mại nội địa vẫn cho thấy những hạn chế rất căn bản là hệ thống bán lẻ trong nước chưa thực sự được củng cố và phát triển một cách chủ động, bền vững trong bối cảnh hội nhập đang tiếp tục được đẩy nhanh. Đây là bài toán lớn mà Bộ Công Thương và Chính phủ sẽ cùng tập trung xử lý trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

*Mở rộng thị phần ngay tại thị trường nội

Ngành bán lẻ Việt Nam còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Nổi tiếng với vùng đất cao nguyên về các loại trà, cà phê và nông sản sấy khô, Công ty CP chè Cầu Đất - Đà Lạt mỗi năm có tới 20 dòng sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc và Philippines.

Con số 70 tấn nông sản xuất khẩu quả không phải nhỏ đối với một doanh nghiệp địa phương, nhưng doanh nghiệp này vừa khẳng định sẽ dành 70% sản phẩm để tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Lý giải nguyên nhân này, theo đại diện Công ty CP chè Cầu Đất, sau nhiều năm mang chuông đi đánh xứ người, công ty này sẽ liên kết với một số nhà phân phối trong nước để lưu thông hàng hóa và mở rộng thị phần.

Không chỉ riêng với Công ty CP chè Cầu Đất, mà nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực khác cũng đang chuyển hướng về với thị trường nội địa thay vì chú tâm sản xuất khẩu như trước kia.

Chẳng hạn như Công ty sản xuất sản phẩm gỗ Mifaco, nhiều năm liền thường xuyên xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài với số lượng lớn.

Nhưng mục tiêu hiện tại mà công ty này nhắm tới và chinh phục lại là thị trường nội địa. Bởi với hơn 90 triệu dân, thị trường nội địa không chỉ nhiều tiềm năng mà còn giúp doanh nghiệp toàn hơn trong đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Luôn đi đầu và đón lõng cơ hội, những năm qua, các doanh nghiệp ngành dệt may đã nỗ lực đầu tư cho sản xuất, mở rộng kênh phân phối nhằm chiếm lĩnh thị phần. Nhờ vậy, lượng hàng dệt may tiêu thụ nội địa ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước cũng đã chú trọng nhiều hơn đến khâu thiết kế thời trang.

Các thương hiệu lớn như: Viettien của Tổng công ty CP May Việt Tiến, Hanoximex của Tổng công ty CP Dệt may Hà Nội, Merriman của Tổng công ty Hòa Thọ, Mattana của Tổng công ty Nhà Bè…đã liên tục đưa ra các mẫu thiết kế mới bắt kịp xu hướng thời trang thế giới, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, trong bối cảnh những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu của ngành dệt may được dự báo sẽ kéo dài sang tận quý III/2017 thì việc lựa chọn quay về thị trường nội địa là giải pháp căn cơ giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất. Quan trọng hơn, việc quay về thị trường nội địa còn giúp doanh nghiệp giữ sân nhà trước sự chiếm lĩnh của hàng hóa nước ngoài.

*Tạo sức mạnh tập thể

Hỗ trợ doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước phát triển. Ảnh minh họa: TTXVN

Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa, ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết chuỗi siêu thị Co.op Mart cũng có nhiều thay đổi trong quy định và quy trình tiếp nhận, mua hàng nhằm ủng hộ các doanh nghiệp trong nội khối.

Với kinh nghiệm của nhà bán lẻ chuyên nghiệp, Saigon Co.op cũng đã tư vấn cho các doanh nghiệp trong nước cách thức trình bày sản phẩm, trưng bày trên kệ, ưu tiên các vị trí đẹp để hàng Việt không bị lép vế so với hàng ngoại.

Cùng với mức chiết khấu vừa phải, ông Nguyễn Anh Đức tin rằng những nhà bán lẻ thuần Việt sẽ có thể đồng hành và cùng phát triển với doanh nghiệp Việt.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, việc liên kết để cùng chia sẻ các vị trí đẹp tại các siêu thị, hay trong việc vận chuyển, quản trị hàng hóa và chất lượng cũng sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí. Hơn nữa, hoạt động liên kết này cần sự điều phối, hỗ trợ của các hiệp hội doanh nghiệp.

Chia sẻ thêm kinh nghiệm, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng không nên quá lo lắng trước áp lực hàng ngoại.

Bởi vì việc cạnh tranh với khối ngoại đã tồn tại từ lâu, khi thị trường Việt Nam luôn có ít nhất 4 - 5 nhà bán lẻ thuộc top 20 của thế giới. Do vậy, doanh nghiệp cần đón nhận những thách thức cũng như không từ chối cơ hội để thúc đẩy mình phát triển hơn, chuyên nghiệp hơn.

Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, cơ cấu dân số đông, đang ở thời điểm dân số “vàng”, thu nhập người dân ngày càng cao… là những yếu tố hấp dẫn của thị trường nông thôn.

Bình quân sức mua ở vùng nông thôn tăng trưởng 15% qua các năm, tăng gấp 3 lần so với khu vực thành thị. Nếu có được các sản phẩm phù hợp, giá thành hợp lý, hiểu biết thói quen mua sắm của người tiêu dùng nông thôn, doanh nghiệp trong nước sẽ chiếm lĩnh được thị trường nông thôn nói chung và cả thị trường nội địa nói riêng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc tạo ra một môi trường đầu tư, sản xuất và kinh doanh bình đẳng, các doanh nghiệp có cơ hội như nhau trong việc tiếp cận với thị trường, khai thác đầy đủ các nguồn lực của quốc gia thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp, của sản phẩm hàng hóa không được bảo đảm thì chắc chắn sẽ thua trong cuộc hội nhập này.

Tới đây, ngành Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy tiêu thụ và sức mua trên thị trường.

Cùng đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thị trường miền núi, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đưa hàng hóa về nông thôn, vùng biên giới, hải đảo.

Đặc biệt, Bộ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2016 – 2020; Đề án Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến 2020 và Chương trình Xúc tiến thương mại trong nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục