Khởi nghiệp xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện

16:04' - 24/04/2017
BNEWS Phú Thiện là huyện trọng điểm lúa của tỉnh Gia Lai nằm trong vùng tưới của công trình thuỷ lợi Ayun Hạ với tổng diện tích canh tác hơn 6.000ha lúa 2 vụ.
Khởi nghiệp xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện. Ảnh minh họa: Báo Gia Lai

Sản lượng lúa hàng năm đạt bình quân 80.000 tấn; trong đó, có đến hơn 50% lúa thương phẩm.

Trong những năm gần đây, huyện Phú Thiện thực hiện nhiều giải pháp quan trọng xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện, bảo vệ quyền lợi người trồng lúa.

Tuy nhiên, việc “định vị” thương hiệu gạo trên thị trường còn yếu do chất lượng, cũng như thị trường tiêu thị chưa được mở rộng.

Giống lúa LH12 ra đời tại Hợp tác xã nông nghiệp Chư A Thai với diện tích 35ha trên cánh đồng mẫu lớn đang được coi là giống lúa "khởi nghiệp" cho việc xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện bền vững.

Giống lúa này đã được khảo nghiệm qua 2 mùa vụ sản xuất thành công với năng suất cao hơn so với các loại giống thuần khác đang gieo trồng đại trà, chất lượng gạo cũng tốt hơn. Gạo thơm ngon và dẻo, tỷ lệ gạo xát và gạo nguyên cao.

Giống lúa LH12 có nhiều ưu điểm vượt trội như: thời gian sinh trưởng ngắn ngày, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và kháng nhiều loại sâu bệnh trên cây lúa. Đây là loại giống lúa thực hiện theo Đề án NN08 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đã được Hội đồng Khoa học của Bộ đề xuất công nhận chính thức để mở rộng diện tích đại trà vào những năm tới.

Ông Nguyễn Ngọc Nghĩa, Chủ nhiệm Hợp tác xã Chư A Thai khẳng định, nhiều năm nay, hợp tác xã đưa vào trồng nhiều loại giống mới thuộc nhóm năng suất cao và thơm ngon trên diện tích canh tác cánh đồng mẫu lớn này như giống Ma Lâm, TH6, Hương Cốm...

Hiệu quả chưa được như mong muốn bởi năng suất thấp và hạt gạo chưa ngon. Tuy nhiên, giống lúa LH12 khác hẳn. Thực tế, năng suất của loại giống lúa mới này đạt đến 8,5 - 9 tấn/ha/vụ và gạo xát đạt tỷ lệ đến 64%.

Bà Trần Thị Thu Phúc, xã viên của Hợp tác xã chia sẻ, gia đình trồng 1 sào lúa, qua 2 vụ sản xuất đều đạt năng suất hơn 1tấn/sào (10 sào = 1ha).

Trong khi đó, mức chi phí và áp dụng biện pháp kỹ thuật thâm canh tương tự như các loại giống lúa trước đã trồng. Điểm khác biệt, do thân cây lúa LH12 yếu nên hạn chế bón phân đạm, tăng cường bón thêm một số loại phân Lân, Kali để cho thân cây được to khoẻ và chịu đựng giữ hạt.

Trên cơ sở khẳng định từ giống lúa LH12, Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng Phú Thiện hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăm bón và phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, đảm bảo đủ giống cung ứng cho người dân. Trước mắt, địa phương mở rộng diện tích trồng giống lúa LH12 trong vụ Mùa 2017 lên khoảng 200ha, không riêng ở địa bàn xã Chư A Thai mà ở một số xã lân cận khác.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cũng khẳng định, cây lúa LH12 sẽ là một loại giống cây trồng chủ lực trên địa bàn.

Địa phương sẽ thực hiện nhiều giải pháp mở rộng diện tích gieo trồng đại trà bằng giống lúa này. Đồng thời "làm nền" cho việc xây dựng thương hiệu gạo bền vững trong những năm tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục