Khơi thông dòng chảy thương mại Việt Nam-Lào

16:27' - 22/07/2017
BNEWS Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1962 đến nay, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Lào luôn phát triển mạnh mẽ.

Đặc biệt, lãnh đạo hai nước đã trao đổi nhiều biện pháp lớn nhằm đưa quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào thực sự sâu sắc, thực chất, hiệu quả hơn trong năm 2017 và những năm tiếp theo. 

Đây là sự đổi mới rất tích cực, quan trọng, tạo xung lực mới cho quan hệ Việt - Lào bước sang giai đoạn phát triển sâu rộng, đạt hiệu quả cao hơn.

Hợp tác toàn diện

Nhằm kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, Hội chợ thương mại Việt Nam - Lào 2017 với chủ đề “Hữu nghị, hợp tác và phát triển” đã được tổ chức từ 29/6 đến 3/7 giúp khuyến khích sự hợp tác kinh tế, thương mại - đầu tư giữa Lào và Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đồng chí Phankham Viphavan, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào sang dự các hoạt động kỷ niệm năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam- Lào, Lào-Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến Thương mại quốc gia Việt Nam 2017, được tổ chức với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp quân đội Việt Nam nói riêng đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ vào thị trường Lào và các nước ASEAN.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương hai nước cũng như việc thực hiện Hiệp định Thương mại song phương (3/3/2015) và Hiệp định Thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào (26/6/2015), quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước ngày một khởi sắc, đi vào trọng tâm, trọng điểm. Mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước ngày càng đa dạng và phong phú. Về căn bản, quan hệ thương mại giữa hai nước có tính bổ trợ rất lớn và còn rất nhiều không gian tăng cường hợp tác. 

Đặc biệt, "Trang tin điện tử kinh tế thương mại Việt Nam - Lào" với địa chỉ www.vietlaotrade.com ra đời trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lào, lãnh đạo cấp cao các Bộ, ban, ngành đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, giao lưu thương mại, hợp tác đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đây cũng thể hiện sự quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của hai Bộ Công Thương Lào và Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: Trang tin điện tử kinh tế thương mại Việt Nam – Lào sẽ cung cấp thông tin kịp thời, toàn diện về các quy định, cơ chế, chính sách kinh tế, thương mại, công nghiệp, các hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam và Lào đến cộng đồng doanh nghiệp của hai nước.

Đây là công cụ hữu hiệu, phát huy ưu thế của công nghệ thông tin trong xu thế mới, thiết thực nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp hai nước và tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực, giảm chi phí tiếp cận thông tin.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, đến hết tháng 3/2017, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào đạt kim ngạch 236 triệu USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt trị giá 135 triệu USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ. Ngược lại, hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Lào trong 3 tháng đầu năm 2017 đạt trị giá 101 triệu USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy cán cân thương mại đã thặng dư 34 triệu USD về phía Việt Nam.

Hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào chủ yếu gồm các mặt hàng như xăng dầu, sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng… Với cơ cấu mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Lào lại tập trung chủ yếu vào những nhóm mặt hàng chính là cao su, phân bón, quặng và khoáng sản.

Khơi thông dòng chảy

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn một số bất cập có thể cản trở quan hệ kinh tế Việt - Lào trong thời gian tới.

Theo Bộ Công Thương, hiện một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào tiến độ chậm, gặp bất lợi khách quan là giá cả đầu ra xuống thấp (mủ cao su, quặng sắt, thạch cao...) buộc chủ đầu tư phải hạn chế khai thác, chế biến, thậm chí có dự án phải tạm dừng hoạt động.

Cùng đó, khả năng tài chính của một số chủ đầu tư còn thấp so với yêu cầu của dự án nên không có khả năng triển khai buộc phía Lào phải thu lại dự án.

Bên cạnh đó, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào năm 2016 giảm khoảng 20%, chủ yếu do Chính phủ Lào dừng xuất khẩu gỗ, hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng Lào có khả năng đáp ứng được (xi măng, sắt thép) trong khi hai bên chưa tìm ra mặt hàng thay thế để trao đổi. Hơn nữa, cạnh tranh thương mại của các nước khác tại Lào cũng ngày càng gay gắt hơn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Cải cách để tạo lực đẩy cho doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN

Cũng theo Bộ Công Thương, các dự án sử dụng vốn ODA của Chính phủ và vốn hỗ trợ của các địa phương Việt Nam tại Lào tuy rất nhiều và "chứa đựng tình cảm chí tình, chí nghĩa" song thiếu tập trung, thiếu tầm cỡ nên hạn chế trong phát huy tính hiệu quả, chưa thực sự trở thành biểu tượng của quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Về phía Lào, các Bộ, ngành triển khai thực hiện Chỉ thị 13 của Chính phủ về việc xem xét và cấp phép vào dự án đầu tư mới trong lĩnh vực khảo sát khoáng sản, trồng cao su và bạch đàn trên toàn quốc còn chậm, số dự án được cấp phép theo diện này rất ít.

Hơn thế, một số cơ chế, chính sách của Lào chưa được thực thi nghiêm chỉnh, nhất là ở các địa phương, có những chính sách mới thắt chặt hơn. Đáng chú ý là vẫn còn những vướng mắc như hợp đồng thuê đất cấp chồng lấn vùng rừng nguyên sinh, rừng bảo tồn quốc gia... tồn tại đã nhiều năm nhưng vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ hữu hiệu.

Chính vì vậy, mới đây Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có cuộc gặp song phương với bà Khemmany Phonexena, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào nhằm chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm kim ngạch thương mại và đưa ra một số giải pháp để thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước trong thời gian tới.

Theo đó, hai bên sẽ phối hợp nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển thương mại Việt Nam – Lào giai đoạn 10 năm tới; nhanh chóng cụ thể hóa và tăng cường phổ biến các văn kiện quan trọng đối với quan hệ thương mại song phương đã ký giữa hai nước như Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, để đạt mục tiêu kim ngạch hai chiều Việt Nam - Lào đến năm 2020 phải chạm đích 4 tỷ USD, hai nước sẽ tăng cường kiểm tra dọc tuyến biên giới, ngăn chặn và xử lý việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép, nạn buôn lậu, vận chuyển ma túy, mua bán người và những vấn đề tiêu cực khác nảy sinh tại địa bàn.

Cùng đó, hai bên sẽ phối hợp xem xét triển khai bổ sung một số dự án hợp tác phát triển trọng điểm (bản, cụm bản phát triển) tại Lào và làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, củng cố và phát huy vai trò của các dự án đã hoàn thành.

Đặc biệt, khẩn trương hoàn thành các thủ tục đối nội, đối ngoại để triển khai, phổ biến, tuyên truyền, thực hiện hiệu quả Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam-Lào, Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp, Bộ sẽ có chính sách hỗ trợ thiết thực trên tinh thần quan hệ đặc biệt giữa hai nước đối với các doanh nghiệp đang tạm thời gặp khó khăn. Mặt khác, Bộ cũng tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào để có các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào được thuận lợi và hiệu quả.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Hiệp định thương mại mới và Hiệp định thương mại biên giới. Đặc biệt, Bộ sẽ phối hợp nghiên cứu và xây dựng Đề án Tổng thể phát triển Thương mại Việt Nam-Lào giai đoạn 10 năm (2017-2026) và tìm kiếm giải pháp cần thiết thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước, phấn đấu đưa kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào năm nay tăng 10% so với năm 2016./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục