Xây dựng và phát triển 42 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm

08:30' - 22/11/2024
BNEWS Nam Định chú trọng nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao...

Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc xây dựng mạng lưới cung ứng sản phẩm nông sản an toàn vừa nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vừa là cầu nối liên kết, quảng bá, đưa sản phẩm nông nghiệp chủ lực đi sâu vào thị trường được tỉnh Nam Định quan tâm xây dựng.

Triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đã có bước phát triển toàn diện, từng bước chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao. Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh tăng ổn định từ 2,5 - 3,2%/năm. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực không ngừng tăng cao cả về số lượng và chất lượng như: lúa gạo đạt gần 880.000 tấn/năm; khoai tây 30.000 tấn/năm; thịt hơi xuất chuồng 197.000 tấn/năm; thủy sản 187.000 tấn/năm… Các sản phẩm cơ bản đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội tỉnh và cung cấp một lượng lớn ra tỉnh ngoài và xuất khẩu.

Để hình thành mạng lưới cung ứng sản phẩm nông sản, Nam Định củng cố, xây dựng và phát triển 42 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Nhiều chuỗi được đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật, áp dụng công nghệ 4.0 gắn với việc xây dựng các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) được chứng nhận 3 sao, 4 sao.

Từ việc xây dựng các chuỗi liên kết, các cơ sở sở chế, sản xuất chế biến nông sản được hình thành, đầu tư và mở rộng. Hiện tỉnh có trên 500 cơ sở cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, thuỷ sản đăng ký kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 137 cơ sở, doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như: HACCP; GMP; VietGAP; ISO….; 119 vùng nguyên liệu được cấp mã vùng trồng; 53 cơ sở ứng dụng phần mềm nhật ký điện tử để quản lý sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm… Nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng.

Là đơn vị chế biến các sản phẩm thủy, hải sản, mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 30 tấn sản phẩm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quý Thịnh, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu là 1 trong 3 đơn vị của huyện có kho lạnh cấp đông nhanh. Đây là hệ thống hiện đại với công nghệ tiên tiến, kiểm soát nhiệt độ chính xác, đảm bảo thực phẩm được đông lạnh một cách đồng đều, giữ nguyên chất lượng và dinh dưỡng, tiết kiệm thời gian và tăng năng suất.

Ông Phạm Văn Phong, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quý Thịnh, thị trấn Thịnh Long cho biết, nếu như trước đây chưa có kho lạnh cấp đông nhanh, thời gian sơ chế và làm đông sản phẩm bằng các tủ đông thông thường mất nhiều thời gian, chất lượng sản phẩm có phần bị ảnh hưởng thì nay mặc dù khối lượng lớn nhưng sản phẩm được làm đông nhanh, giá trị dinh dưỡng trong thực phẩm được giữ ở mức cao.

Những năm gần đây, xu hướng tiêu dùng sản phẩm an toàn của người dân không chỉ dừng lại ở việc lựa chọn thực phẩm tươi ngon, an toàn cho sức khỏe mà còn chú trọng đến nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất và chất lượng dinh dưỡng. Nắm bắt điều đó, các cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh ra đời với mạng lưới hơn 100 cửa hàng tiện ích, thực phẩm sạch, siêu thị; trong đó, hình thành nhiều chuỗi cung ứng nông sản an toàn lớn.

Công ty cổ phần Hiệp hội nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định là đơn vị có 45 thành viên là các hộ, cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh tham gia xây dựng chuỗi 7 cửa hàng cung ứng sản phẩm nông sản. Việc xây dựng chuỗi cửa hàng nhằm mục tiêu giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh hàng hóa, dịch vụ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đồng thời tạo sự hợp tác, phối hợp, hỗ trợ giữa các đơn vị trong việc đổi mới quy trình công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp, mở rộng tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Hiện, chuỗi cửa hàng cung ứng 444 sản phẩm OCOP của 243 cơ sở đạt 3 sao, 4 sao…

Bà Tống Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc tiêu thụ Công ty cổ phần Hiệp hội nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định cho biết, công ty lựa chọn và liên kết với các nhà cung cấp là những hợp tác xã, đơn vị sản xuất có thương hiệu, có nguồn hàng đảm bảo nhằm xây dựng một điểm bán hàng Việt uy tín với người tiêu dùng trong tỉnh. Bên cạnh việc giới thiệu sản phẩm tại các cửa hàng, công ty hướng dẫn các hội viên tham gia kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử Voso.vn và sàn Postmart, qua đó ổn định sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Đến nay đã có 32 cơ sở với hơn 100 sản phẩm đã được tạo tài khoản, tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Từ việc thúc đẩy tiêu thụ trong tỉnh, hoạt động xúc tiến thương mại được các đơn vị quan tâm đẩy mạnh với nhiều hình thức. Từ năm 2022 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tổ chức 8 đoàn kết nối thương mại, nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh tại các tỉnh: Điện Biên, Tuyên Quang, Lào Cai, Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Kạn và thành phố Hà Nội. Trong 10 tháng năm 2024, tỉnh đã hỗ trợ 60 lượt cơ sở, doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh tham gia 6 hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh…

Ông Vũ Xuân Thủy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh đã và đang đẩy mạnh hoạt động liên kết hợp tác với các tỉnh và thành phố trong cả nước nhằm tạo cơ hội sâu hơn nữa cho các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, công nghệ và dịch vụ, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và chuyển giao công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Cùng đó, Nam Định chú trọng nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp quy mô các chuỗi liên kết hiện có và xây dựng thêm các chuỗi liên kết mới, không ngừng đa dạng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục