Khuyến nghị các giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững

11:31' - 28/06/2017
BNEWS Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến nghị các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững.
Gia đình anh Nguyễn Văn Phương (xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam) vẫn còn 80 con lợn thịt đến thời điểm xuất chuồng chưa bán được nhưng vẫn tiếp tục tái đàn để chờ lợn tăng giá trở lại. Ảnh : Trần Thị Thu Hiền – TTXVN

Cụ thể, đối với chăn nuôi lợn, Cục Chăn nuôi đề nghị các địa phương hướng dẫn cho các doanh nghiệp lớn phát triển chăn nuôi lợn từ 1.000 nái bố mẹ - nuôi lợn thịt đến xuất chuồng và 30.000 lợn thịt trở lên phải cân nhắc kỹ những vấn đề sau: đánh giá tác động môi trường, chăn nuôi theo chuỗi, kế hoạch tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa; lộ trình xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Theo Cục Chăn nuôi, vấn đề xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm thịt lợn sang thị trường Trung Quốc mặc dù đã có chủ trương, chỉ đạo từ các cấp có thẩm quyền nhưng đây là vấn đề lâu dài để các cơ quan hữu quan hai bên tiến hành thủ tục cần thiết cho xuất khẩu sản phẩm thịt lợn của Việt Nam.

Hơn nữa, việc xuất khẩu thịt lợn chính ngạch sang Trung Quốc thường phải là sản phẩm thịt mảnh đông lạnh được giết mổ và bảo quản theo đúng quy trình, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc mà phía Trung Quốc yêu cầu.

Đối với chăn nuôi bò, hiện nay, nước ta tiêu dùng thịt bò ngày càng tăng trong khi chăn nuôi trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 75 -80% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã đang và sẽ đầu tư lớn vào chăn nuôi bò thịt.

Do đó, Cục Chăn nuôi đề nghị các địa phương hướng dẫn chocác doanh nghiệp lớn phát triển chăn nuôi bò thịt từ 1.000 bò sinh sản - và5.000 bò thịt trở lên phải cân nhắc kỹ các vấn đề về nuôi bò sinh sản để từng bước chủ động nguồn bò thịt để vỗ béo; trồng cỏ và ngô sinh khối đi kèm với chế biến chúng và các phụ phẩm công nông nghiệp làm thức ăn cho bò.

Đồng thời, ký hợp đồng gia công với nông dân và các tổ chức liên kết sản xuất như hợp tác xã, tổ hợp tác để nuôi bò gia công, trồng cỏ, trồng ngô sinh khối và cây thức ăn chăn nuôi cho doanh nghiệp nuôi bò; giết mổ công nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và kế hoạch tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm thịt bò.

Đối với phát triển chăn nuôi bò sữa, các địa phương lưu ý chỉ xây dựng cơ sở chăn nuôi bò sữa khi ký được hợp đồng thu gom sữa với các công ty chế biến sữa có sẵn trên địa bàn; phải có diện tích trồng cỏ và ngô sinh khối đáp ứng tối đa 10-12 con/ha; quy mô tối thiểu là 8 con vắt sữa thường xuyên trở lên đối với nông hộ và 20 con bò vắt sữa thường xuyên đối với quy mô trang trại để tăng hiệu quả đầu tư, sản xuất và áp dụng máy, trang thiết bị.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục