Kích cầu du lịch từ chính sách hoàn thuế VAT

16:31' - 06/12/2017
BNEWS Chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng VAT cho du khách nước ngoài tại Việt Nam được áp dụng từ năm 2012 đến nay hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển của thế giới.

Tuy nhiên, việc triển khai chưa thật sự mang lại hiệu quả như mong đợi. Đây là chia sẻ của các đại biểu tham dự Hội thảo “Giải pháp tăng cường hiệu quả của chính sách hoàn thuế cho du khách, kích cầu du lịch Việt Nam”, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 6/12.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính là phía doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế và cơ quan quản lý thuế.

Ông Hậu phân tích, phần lớn doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế đều chưa thực hiện nghĩa vụ cập nhật thông tin hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế vào hệ thống hoàn thuế điện tử, dẫn đến các cơ quan phải nhập dữ liệu bằng phương pháp thủ công, dễ có sai sót.

Hoặc nhân viên bán hàng, chưa nắm rõ các quy định về hoàn thuế VAT nên chưa truyền đạt cho khách hàng của mình.

Về phía cơ quan quản lý thuế, ông Hậu cho hay, việc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Thiếu các khẩu ngữ, hướng dẫn về quyền của người nước ngoài khi được hoàn thuế VAT khi mua sắm tại Việt Nam.

Do vậy, người nước ngoài dễ lầm tưởng Việt Nam không thực hiện chính sách hoàn thuế VAT khi du lịch mua sắm như các quốc gia khác trên thế giới.

Thêm vào đó, hình thức hóa đơn bán hàng vẫn chưa thống nhất, rõ ràng về nội dung, thông tin hóa đơn gây khó khăn cho cơ quan hải quan trong quá trình kiểm tra, xác nhận thông tin trong hóa đơn, tờ khai, đối chiếu hàng hoá.

Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định việc hoàn thuế cho người nước ngoài vừa mang lại lợi ích cho du khách; đồng thời, kích cầu tiêu dùng, đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước.

Thậm chí, nhiều nước đã xem việc hoàn thuế VAT cho du khách là công cụ phát triển kinh tế quốc gia.

Ông Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh dẫn chứng, Singapore được khách du lịch cho là “Thiên đường mua sắm” bởi họ xem hoàn thuế là lợi thế cạnh tranh. Các Trung tâm thương mại đều có bộ phận dịch vụ hoàn thuế.

Du khách được sử dụng dịch vụ khai báo điện tử rất thuận tiện, hoàn tiền mặt tại sân bay cũng dễ dàng…

Hoặc Nhật Bản, Hàn Quốc đã thực hiện việc hoàn thuế cho du khách ngay tại cửa hàng mua sắm giúp du khách không phải khai báo tờ khai và các mặt hàng được hoàn thuế rất đa dạng.

Do vậy, ông Hiển cho rằng, Việt Nam có thể học tập từ nước ngoài để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách hoàn thuế VAT cho du khách.

Mặt khác, các doanh nghiệp phải chủ động chuẩn hóa quy trình bán hàng sản phẩm, khai báo thuế. Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm thông qua hoàn thuế.

Đồng thời, các Hiệp hội ngành nghề cần tổ chức hợp tác nhóm các doanh nghiệp sản xuất hàng trong nước tại các cửa hàng hoàn thuế.

Song song đó, Chính phủ cần có chính sách đột phá; trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước cần mạnh dạn hơn nữa trong việc thực hiện các chính sách một cách linh hoạt, chủ động; tạo nhiều điều kiện cho doanh nghiệp và du khách thoải mái hơn trong khai báo thuế.

Nhằm tăng thêm sức hấp dẫn cho du khách khi mua sắm, Tiến sĩ Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế và pháp lý, Trường Doanh nhân BizLight cho rằng, về lâu dài, Nhà nước cần mở rộng thêm đối tượng bán hàng hoàn thuế VAT cho cả hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.

Ngành thuế cần tiếp tục rà soát các doanh nghiệp có tiềm năng, bán hàng hoàn thuế để tổ chức phổ biến, tuyền truyền khuyến khích doanh nghiệp tham gia bán hàng hoàn thuế VAT.

Theo thống kê của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố có 649 điểm bán hàng hoàn thuế.

Trong 11 tháng năm 2017, có 80 doanh nghiệp đăng ký tham gia hoàn thuế VAT cho người nước ngoài với số tiền thuế đã hoàn khoảng 35,5 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục