Kiên Giang mời gọi đầu tư vào khu công nghiệp

17:25' - 19/02/2018
BNEWS Tỉnh Kiên Giang đang mời gọi các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp Thạnh Lộc (giai đoạn 2).

Tỉnh Kiên Giang đang mời gọi các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp Thạnh Lộc (giai đoạn 2), Thuận Yên, Xẻo Rô, Tắc Cậu và Kiên Lương II, với tổng diện tích đất 763 ha; khu nhà ở công nhân, khu dịch vụ - thương mại thuộc Khu công nghiệp Thạnh Lộc.

Kiên Giang cũng kêu gọi đầu tư các dự án khai thác tiềm năng, thế mạnh về vùng nguyên liệu của tỉnh như: chế biến, bảo quản nông, thủy sản và các loại sản phẩm từ nông, thủy sản; sản xuất thực phẩm, đồ uống; sản xuất hàng tiêu dùng, bao bì; chế biến đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ; sản xuất lắp ráp điện tử; dệt may, da giày; sản xuất vật liệu xây dựng, nhựa, thủy tinh,…

Theo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Kiên Giang, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Do đó, các dự án đầu tư vào khu công nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật.

Cụ thể như ưu đãi về tiền thuê đất, thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu; ưu đãi về tín dụng đầu tư, hỗ trợ đào tạo lao động; giải quyết thủ tục nhanh chóng, rút ngắn thời gian thực hiện so với quy định, giảm chi phí đi lại cho doanh nghiệp, nhà đầu tư,…

Hiện nay, Kiên Giang đang triển khai đầu tư xây dựng, phát triển 2 khu công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành), Thuận Yên (Hà Tiên) và đã thu hút 25 dự án đăng ký đầu tư, với tổng diện tích hơn 112 ha, tổng vốn trên 6.240 tỷ đồng; trong đó, một số dự án quy mô đầu tư khá lớn như: Dự án nhà máy sản xuất gỗ MDF VRG Kiên Giang, vốn đăng ký đầu tư 1.491 tỷ đồng.

Dự án nhà máy bia Sài Gòn - Kiên Giang, vốn đăng ký đầu tư 1.010 tỷ đồng; dự án nhà sản xuất giày dép xuất khẩu TBS Kiên Giang, vốn đăng ký đầu tư 761 tỷ đồng; dự án nhà máy sản xuất giày thể thao xuất khẩu Hwaseung, vốn đăng ký đầu tư 749 tỷ đồng và một số dự án chế biến thủy sản, sản xuất thuốc, vật liệu xây dựng,…

Hiện tại, trong các khu công nghiệp đã có 7 dự án đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định; tổng doanh thu của các doanh nghiệp năm 2017 đạt khoảng 3.800 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu hơn 82 triệu USD, đóng góp ngân sách nhà nước 723 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 4.500 lao động.

Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Kiên Giang cho biết, ngoài những chính sách ưu đãi, các dự án đầu tư vào khu công nghiệp sẽ được ổn định sản xuất lâu dài, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Đơn giá cho thuê đất thấp hơn so với các khu công nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và được tính trên cơ sở chỉ để thu lại chi phí BT, giải phóng mặt bằng. Hiện nay, để khuyến khích đầu tư vào khu công nghiệp, các nhà đầu tư được miễn phí sử dụng hạ tầng. Nguồn cấp điện, nước sạch trong khu công nghiệp ổn định đảm bảo cho sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Kiên Giang có lợi thế về vùng nguyên liệu trên các lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, vật liệu xây dựng. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt trên 740.000 tấn/năm, sản lượng lương thực hơn 4 triệu tấn/năm. Kiên Giang còn có lực lượng lao động khá dồi dào, trên 1,1 triệu lao động trong độ tuổi, chủ yếu là lao động trẻ.

Bên cạnh đó, Khu công nghiệp Thạnh Lộc chỉ cách trung tâm thành phố Rạch Giá và sân bay khoảng 5 km; Khu công nghiệp Thuận Yên cách thị xã Hà Tiên 6 km nên cả hai khu công nghiệp này rất thuận tiện cho các nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án. Các khu công nghiệp còn lại, điều kiện giao thông đi lại rất thuận lợi, dễ dàng và nhanh chóng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục