Kinh tế Brazil tăng trưởng trở lại sau suy thoái

09:49' - 02/06/2017
BNEWS Nền kinh tế số 1 Mỹ Latinh sẽ đạt tăng trưởng 0,5% trong năm nay.

Ngày 1/6, Viện Địa lý và thống kê Brazil (IBGE) cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này trong quý I năm nay đạt tăng trưởng 1% so với quý trước và đây là mức tăng trưởng dương đầu tiên sau 2 năm suy thoái liên tiếp.

Trụ sở của Sàn Giao dịch chứng khoán của thành phố Sao Paulo, Brazil ngày 1/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Mỹ dẫn báo cáo của IBGE cho biết kết quả trên đạt được nhờ các chỉ số tăng trưởng ấn tượng trong lĩnh vực nông nghiệp với 13,4%, tiếp đến là công nghiệp (0,9%) và dịch vụ duy trì ở mức ổn định.

Tuy nhiên, GDP của quốc gia Nam Mỹ trong quý I vừa qua giảm 0,4% so với cùng kỳ của năm 2016 và giảm 2,3% trong suốt 12 tháng qua. Theo những ước tính của thị trường, nền kinh tế số 1 Mỹ Latinh sẽ đạt tăng trưởng 0,5% trong năm nay.

Các chuyên gia kinh tế Joao nhận định các số liệu nói trên là những thông tin cũ bởi vì sau tín hiệu khả quan của nền kinh tế đã xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị với cáo buộc tham nhũng liên quan tới Tổng thống Michel Temer.

Theo kênh truyền hình GloboNews của Brazil, vụ bê bối này đã tác động đến những kỳ vọng của những nhà đầu tư, gây bế tắc ảnh hưởng đến nền kinh tế và khả năng phục hồi tăng trưởng của quốc gia này.

Về phần mình, giáo sư kinh tế vĩ mô của Quỹ Getulio Vargas (FGV) Mauro Rochlin đánh giá ba tháng tăng trưởng chưa đủ để giúp Brazil thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế, quốc gia Nam Mỹ cần tăng trưởng hơn nữa trong hai quý liên tiếp sắp tới. Ông Rochlin nhận định dù một vài chỉ số đánh dấu xu hướng phục hồi nhưng vẫn là những tín hiệu rất nhỏ.

Trước đó, ngày 31/5 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Brazil(BCB) thông báo quyết định cắt giảm tỷ lệ lãi suất cơ bản (Selic) lần thứ 2 trong năm nay xuống còn 10,25%- mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Tuy nhiên, BCB cũng tiết lộ đang chuẩn bị giảm biên độ lãi suất trong bối cảnh khủng hoảng chính trị hiện nay đe dọa nỗ lực của chính phủ nhằm giảm thâm hụt ngân sách nước này.

Thông cáo của BCB cho biết trong khi bắt đầu có những tín hiệu phục hồi sau 2 năm suy thoái liên tiếp, nền kinh tế Brazil đang đối mặt với rủi ro lớn nhất là sự thiếu chắc chắn mà cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay gây nên.

Những nghi ngờ về khả năng thông qua chính sách cải cách hệ thống lương hưu đang cản trở việc giảm kịp thời tỷ lệ lãi suất trung bình.

Về phần mình, các chuyên gia kinh tế dự báo với cách tiếp cận thận trọng, BCB có thể dần dần đưa ra chính sách tiền tệ với việc cắt giảm Selic xuống còn mức 8,5% vào cuối năm nay.

Một tuyến phố đi bộ ở thành phố Sao Paulo, Brazil ngày 1/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Các cáo buộc tham nhũng chống lại Tổng thống Temer đe dọa trì hoãn chương trình cải cách kinh tế, làm giảm kỳ vọng ban đầu của các nhà đầu tư về tăng trưởng kinh tế, cũng như về tỷ lệ lạm phát giảm nhanh của nước Nam Mỹ.

Theo BCB, đề xuất của Tổng thống Temer về cắt giảm chế độ lương hưu là biện pháp chính để kiềm chế lạm phát, cho phép tiếp tục giảm tỷ lệ lãi suất.

Chính sách cải cách hệ thống lương hưu bị trì hoãn hay thất bại có thể ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, lòng tin của người tiêu dùng và ngăn cản giảm thâm hụt ngân sách mà nước này ghi nhận ở mức hơn 10% GDP trong năm 2016.

Hiện Chính phủ Brazil đang hi vọng tăng nguồn thu ngân sách nhà nước lên 4 tỷ USD trong năm nay thông qua một kế hoạch mới về tái cấp vốn từ nguồn thu thuế. Với nghị định mới này, chính phủ nước Nam Mỹ sẽ bổ sung cho ngân sách thêm 2,46 tỷ USD, cho phép những người nộp thuế có thể được giảm tiền phạt, chi phí lãi suất mà chương trình trước đó không cho phép. Các công ty và cá nhân có thể trả nợ thuế trong khoảng thời gian 15 năm.

Nếu người nộp thuế trả trong thời hạn ngắn hơn quy định thì được giảm đến 90% chi phí lãi suất và 50% tiền phạt. Tuy nhiên, trước đó, Bộ Ngân khố nước này nhận định kế hoạch nói trên có thể sẽ tác động tiêu cựu đến nguồn thu thuế của Brazil nhưng chỉ đến năm 2019./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục