Kinh tế chia sẻ: “Bài toán” mới cho các nhà quản lý

12:28' - 16/09/2017
BNEWS Thời gian gần đây, các hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng công nghệ như Uber, Grab hay Airbnb đang phát triển khá nhanh ở Việt Nam.

Các dịch vụ này nhận được sự ủng hộ của đa số người dân và đang thổi một “luồng sinh khí” mới vào nền kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của mô hình kinh tế này đang gây ra không ít quan ngại cho các nhà quản lý cũng như những doanh nghiệp đang kinh doanh theo phương thức truyền thống ở Việt Nam.

"Bình" mới, "rượu" cũ

Trên thực tế, hoạt động chia sẻ quyền sử dụng tài sản có tính phí của con người đã diễn ra từ lâu, thể hiện qua hoạt động của các cửa hàng cho thuê sách, dịch vụ cho thuê xe đạp, dịch vụ xe ôm…. Tuy nhiên, thuật ngữ “kinh tế chia sẻ” (sharing economy) mới chỉ bắt đầu được sử dụng rộng rãi từ khoảng năm 2010.

Hãng cung cấp dịch vụ taxi giá rẻ toàn cầu Uber. Ảnh: EPA/TTXVN

Theo Wikipedia, kinh tế chia sẻ là một mô hình thị trường lai (ở giữa sở hữu và tặng quà); trong đó đề cập đến mạng ngang hàng dựa trên chia sẻ quyền truy cập vào hàng hóa và dịch vụ (phối hợp thông qua các dịch vụ trực tuyến dựa vào cộng đồng).
Qua định nghĩa trên, có thể thấy mô hình kinh tế chia sẻ mang lại sự tiếp cận mở rộng hơn cho tất cả mọi người đối với tài sản và các nguồn lực nhàn rỗi khác mà họ không sở hữu. Các cá nhân/tổ chức có thể tham gia kinh tế chia sẻ với nhiều tư cách khác nhau, từ người sử dụng đến người cung cấp, từ người cho thuê, môi giới cho thuê đến người đi thuê.
Mặt khác, kinh tế chia sẻ cho phép các cá nhân/tổ chức thu lời từ các tài sản và các nguồn lực nhàn rỗi khác. Họ có thể là người trực tiếp cho thuê tài sản thuộc sở hữu của bản thân; hoặc là trung gian kết nối giữa người có nhu cầu cho thuê và người đi thuê. Theo cách này, tài sản hoặc các nguồn lực nhàn rỗi khác được chia sẻ như những dịch vụ.
Như vậy, nền kinh tế chia sẻ giúp tái phân phối các nguồn lực trong xã hội một cách hiệu quả hơn. Điều này làm tăng giá trị sử dụng của các tài sản và các nguồn lực nhàn rỗi đó.
Trong quá khứ, các hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ thường chỉ phát triển giới hạn trong một khu vực nhất định do hàng loạt rào cản như địa lý, ngôn ngữ và khả năng liên lạc với nhau. Tuy nhiên, kể từ cuối thập kỷ trước, cùng với sự gia tăng về số lượng người sử dụng Internet, sự xuất hiện của smartphone và tablet đã giúp những người sở hữu tài sản và các nguồn lực nhàn rỗi khác, đồng thời những người có nhu cầu sử dụng chúng dễ dàng tiếp cận nhau hơn, qua đó tạo ra cú hích mạnh cho sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ.
Nhờ vậy, hàng loạt dịch vụ chia sẻ đã ra đời và đạt được những thành công nhất định về doanh thu và lợi nhuận trong những năm gần đây như Airbnb, Uber, Car Pooling hay Bartering. Các dịch vụ này sử dụng Internet để liên lạc và thanh toán trực tuyến khiến cho mô hình nền kinh tế chia sẻ hoạt động với hiệu suất cao, tiết kiệm chi phí, tăng lợi ích cho người cho thuê, người đi thuê và người trung gian.
Tại Việt Nam, mặc dù thuật ngữ “kinh tế chia sẻ” mới xuất hiện nhưng mô hình này có tiềm năng lớn để phát triển. Kết quả khảo sát gần đây về mô hình kinh tế chia sẻ của Nielsen - một công ty đa quốc gia hàng đầu chuyên đo lường và đánh giá thông tin về hành vi người tiêu dùng - cho thấy chỉ có 18% người được hỏi tại Việt Nam từ chối chia sẻ tài sản cá nhân của mình, thấp hơn 14 điểm phần trăm so với tỉ lệ trung bình trên toàn thế giới. Trong khi đó, có tới 76% người được hỏi sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ, cao hơn rất nhiều so với con số 66% đối với người tiêu dùng toàn cầu.
Đáng chú ý, kể từ năm 2014, một số công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ đa quốc gia đã thâm nhập và bước đầu khẳng định được vị thế ở thị trường Việt Nam như Uber, Grab Taxi, Airbnb và Travelmob. Sự xuất hiện và phát triển mạnh của các dịch vụ này, nhất là Grab và Uber, đang “tiếp lửa” cho sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam.

Phản ứng từ “cái cũ”

Cùng với sự phát triển của kinh tế chia sẻ, mô hình này đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với các cơ quan quản lý Nhà nước ở Việt Nam.
Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với các cơ quan quản lý là việc hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo ra môi trường kinh doanh công bằng và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các cá nhân/tổ chức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ với các cá nhân/tổ chức kinh doanh theo phương thức truyền thống. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh sự phản đối của các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức truyền thống đang gia tăng.
Ở nhiều nước trên thế giới, sự phản đối này đã khiến các cơ quan quản lý phải có quan điểm thận trọng hoặc thậm chí “cấm cửa” một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chia sẻ. Chẳng hạn, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Tây Ban Nha và Đức không cho phép Uber hoạt động.
Ở Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chia sẻ như Uber hay Grab cũng đang đối mặt với sự phản đối quyết liệt từ các doanh nghiệp taxi kinh doanh theo phương thức truyền thống. Hồi tháng 1/2017, Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh đã gửi công văn số 02/HHTX-2017 tới Bộ Tài chính để phản ánh các thắc mắc của các hãng taxi truyền thống tại thành phố này về sự khác biệt trong chính sách thuế giữa các doanh nghiệp taxi truyền thống với Uber và Grab.
Trong văn bản này, Hiệp hội kiến nghị doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống được áp dụng cách tính doanh thu tính thuế như đã hướng dẫn đối với Uber, Grab hoặc cho taxi truyền thống nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) với thuế suất 5% thay vì 10% như hiện nay, đồng thời kiến nghị doanh thu tính thuế đối với Uber, Grab phải trên cơ sở 100% doanh thu.
Tuy nhiên, trong công văn số 3161/BTC-CST ngày 10/3/2017, Bộ Tài chính cho biết căn cứ vào quy định của pháp luật thuế hiện hành, kiến nghị của Hiệp hội “cho taxi truyền thống nộp thuế GTGT với thuế suất 5%” là không có cơ sở.
Về kiến nghị doanh thu tính thuế đối với Grab, Uber và nhà đầu tư hợp tác với Grab, Uber phải trên cơ sở 100% doanh thu, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã ban hành công văn số 11828/BTC-CST ngày 24/8/2016 hướng dẫn về chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan tại Việt Nam. Trong khi Tổng cục Thuế đã ban hành công văn số 384/TCT-TNCN ngày 08/02/2017 gửi Cục thuế các tỉnh, thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh hướng dẫn chính sách thuế đối với hoạt động hợp tác kinh doanh của Công ty Grab Taxi.
Đối với tuyên bố của Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh cho rằng “taxi truyền thống đang phải chịu khá nhiều loại thuế, phí với mức thuế suất chênh lệch khá xa so với Grab và Uber”, Bộ Tài chính khẳng định tuyên bố đó là chưa có cơ sở. Bộ Tài chính đang chỉ đạo rà soát trường hợp có dấu hiệu rủi ro gian lận về thuế, cơ quan thuế sẽ thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp và xử lý theo quy định của pháp luật.
Bất chấp những lý giải đó của Bộ Tài chính, ngày 15/5/2017, Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) - đơn vị kinh doanh dịch vụ taxi lớn nhất thị trường phía Nam – vẫn có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và đánh giá lại hoạt động của Uber và Grab tại Việt Nam. Vinasun cũng kiến nghị cơ quan chức năng một số biện pháp để Uber và Grab không đứng ngoài luật hiện hành và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng.
Không chỉ có các doanh nghiệp taxi truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh mà nhiều doanh nghiệp taxi khác ở Hà Nội cũng có phản ứng quyết liệt trước sự nổi lên của Uber và Grab. Gần đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh kiến nghị Bộ Giao thông Vận Tải yêu cầu Uber và Grab “đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải như taxi truyền thống”.
Tuy nhiên, theo lý giải của Bộ Giao thông Vận tải, về bản chất, Uber hay Grab là xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng giấy chứ không phải là loại hình taxi. Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng ứng dụng đối với loại xe dưới 9 chỗ ngồi, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử.
Mặc dù vậy, có vẻ như những lý giải của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa thuyết phục được các hãng taxi truyền thống. Nhiều hãng vẫn liên tục có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng; trong đó cảnh báo nguy cơ phá sản do sự cạnh tranh từ Uber và Grab.
Không giống như Uber và Grab, hầu hết các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chia sẻ khác như Airbnb hay Travelmob đang hoạt động ở Việt Nam chưa vấp phải sự phản ứng từ phía các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức truyền thống, chủ yếu do thị phần của các doanh nghiệp này vẫn còn nhỏ. Tuy nhiên, nếu thị phần của các doanh nghiệp này ở Việt Nam gia tăng, chắc chắn họ sẽ phải đối mặt với sự phản ứng từ các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức truyền thống.

Và những quan ngại khác

Một quan ngại khác đối với các cơ quan quản lý Nhà nước ở Việt Nam là người lao động làm việc cho các công ty kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ thường bị thiệt thòi khi không được hưởng các phúc lợi xã hội như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các chương trình hưu trí, các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng… như các công ty kinh doanh truyền thống.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát tính minh bạch thông tin của các tổ chức/cá nhân tham gia mô hình kinh tế chia sẻ cũng như việc quản lý các giao dịch và thanh toán điện tử bằng thẻ, vốn được sử dụng phổ biến trong mô hình kinh tế chia sẻ. Đây là một vấn đề đang khiến các cơ quan quản lý Nhà nước phải đau đầu.
Không thể phủ nhận mô hình kinh tế chia sẻ đang có tiềm năng rất lớn để phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với các cơ quan quản lý Nhà nước là cần sớm điều chỉnh và bổ sung kịp thời các văn bản pháp quy để quản lý tốt hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và khai thác tối đa tiềm năng của mô hình này, qua đó giúp nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế./.

>>>Đang có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa Uber/Grab với taxi truyền thống?


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục