Kinh tế Eurozone: Vượt xa kỳ vọng

21:28' - 02/02/2017
BNEWS Eurozone đã khép lại năm 2016 với nhiều tín hiệu tích cực vượt xa kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, khu vực này có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế trong năm 2017.
Tỷ lệ lạm phát ở Eurozone năm 2016 tăng cao nhất trong vòng 3 năm. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) đã khép lại năm 2016 với nhiều tín hiệu tích cực vượt xa kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Eurozone sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế trong năm 2017 do tác động từ những biến động chính trị tại khu vực. 

* Duy trì đà tăng trưởng mạnh trong năm 2016 

Ngày 22/1, Công ty cung cấp thông tin tài chính IHS Markit công bố kết quả khảo sát cho biết kinh tế Eurozone năm 2016 đã duy trì đà tăng trưởng mạnh, khi Chỉ số Quản lý sức mua (PMI) - một trong những thước đo quan trọng đánh giá "sức khỏe" của nền kinh tế khu vực này - đạt 54,4 điểm trong tháng 12-2016, tăng so với mức 53,9 điểm của tháng 11-2016 và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 5-2011. 

Theo quy tắc thị trường, chỉ số PMI trên 50 điểm phản ánh hoạt động sản xuất kinh doanh tại một nước hoặc một khu vực có chiều hướng tăng trưởng và dưới 50 điểm nghĩa là hoạt động kinh doanh đang giảm sút. Theo dữ liệu khảo sát, hoạt động sản xuất đã dẫn đầu tốc độ tăng trưởng, trong đó sản lượng tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4-2014. Hoạt động ngành dịch vụ tháng 12-2016 cũng tăng ổn định, với tỷ lệ tăng đạt mức cao nhất trong vòng 12 tháng. 

Ông Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng tại IHS Markit, cho biết các nhà sản xuất và các công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đang được hưởng lợi khi đồng euro giảm - yếu tố vừa giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa vừa khuyến khích các hoạt động như du lịch và đi lại tới các nước Eurozone. Ông nhấn mạnh dữ liệu khảo sát cho thấy Eurozone đạt mức tăng trưởng 0,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý IV-2016 và dự báo sẽ đạt khoảng 1,6% năm 2016. 

Cùng ngày, ECB cho biết, tín dụng cung cấp cho hộ gia đình và doanh nghiệp ở Eurozone trong tháng 12-2016 tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2015, cho thấy những nỗ lực của ECB nhằm thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và đầu tư đã có hiệu quả. 

Trong khi đó, ECB công bố số liệu cho thấy tỷ lệ lạm phát tại Eurozone tính đến tháng 12-2016 đã tăng 1,1% - mức cao nhất trong hơn ba năm. Con số này là một tín hiệu vui đối với các nhà hoạch định chính sách của ECB khi ngân hàng này trong nhiều năm gần đây đã nỗ lực đưa lạm phát tiến gần đến mục tiêu khoảng 2%. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 12-2016 của Eurozone được ghi nhận ở mức 9,8%, mức thấp nhất kể từ tháng 7-2009. Tỷ lệ này đã làm gia tăng hy vọng Eurozone đang thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 và cuộc khủng hoảng nợ kéo dài khiến tỷ lệ thấp nghiệp tăng lên mức 12,1%. 

* Nhiều thách thức trong năm 2017 

Dù duy trì được đà tăng trưởng mạnh năm 2016 nhưng các chuyên gia dự báo Eurozone sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế trong năm 2017 do tác động từ những biến động chính trị tại khu vực. Việc tăng lãi suất cùng sự quay lại của lạm phát cũng là yếu tố làm suy yếu khả năng tăng trưởng kinh tế của Eurozone. 

Eurozone sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2017. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Gần 10 năm qua, thế giới vẫn phải gánh chịu nhiều hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế lớn nhất trong vòng 80 năm. Nền kinh tế của Eurozone do đó cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn khi mà đồng tiền chung chỉ mới ra đời được 15 năm. Hiện nay các nguy cơ đối với nền kinh tế khu vực này cũng đã thay đổi về bản chất. Nhà kinh tế học Nadia Gharbi của Ngân hàng Pictet (Thụy Sĩ) nhận định năm 2017, nguyên nhân tác động chính không phải do kinh tế, tài chính mà biến động chính trị có thể tác động đến hoạt động kinh tế. 

Với việc ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ và nước Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit, năm 2016 đánh dấu sự chuyển hướng quan trọng về chính trị. Nhà kinh tế học Philippe Waechter thuộc ngân hàng Natixis AM (Pháp) cảnh báo đây chỉ là những dấu hiệu ban đầu cho thấy nhiều thách thức đang chờ đợi khi năm 2017 diễn ra các cuộc bầu cử mang tính quyết định tại Đức, Pháp, Hà Lan và Italy. Không loại trừ khả năng phong trào dân túy có thể giành chiến thắng tại các cuộc bầu cử quan trọng này.

Nhà kinh tế học Maxime Sbaihi của Bloomberg Intelligence nhận định phe theo chủ nghĩa dân túy giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sẽ là thách thức lớn đe dọa sự gắn kết của đồng tiền chung châu Âu, dù ông tin tưởng sẽ không có nước nào rời khỏi Eurozone. 

Giới phân tích cho rằng những biến động chính trị đang là áp lực đối với các nhà đầu tư tư nhân, dẫn đến việc thị trường có thể đòi hỏi lãi suất cao hơn đối với các doanh nghiệp và các chính phủ. Các tổ chức tài chính công chắc chắn sẽ bị suy yếu. Hơn thế nữa, những lo lắng liên quan đến cuộc đàm phán về Brexit sẽ thực sự khởi động vào đầu năm 2017 càng làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn. Đó là chưa kể đến sự hoài nghi xung quanh chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông tiếp quản Nhà trắng vào ngày 20-1 vừa qua. Những tuyên bố của ông Trump về ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ một khi được áp dụng có thể gây nguy hại cho thương mại thế giới vốn đang trong tình trạng nhiều biến động. 

Ngoài ra, tình trạng lạm phát quay trở lại dự báo sẽ cản trở sức mua. Việc giá dầu tăng chắc chắn dẫn tới giá cả sinh hoạt tăng lên trong Eurozone. Theo ECB, lạm phát sẽ tăng lên mức 1,2% trong năm 2017 và thoạt nhìn, đó là một tín hiệu tốt khi mà bóng đen của giảm phát đe dọa châu Âu từ năm 2013 cuối cùng đã được đẩy lùi. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế thuộc cơ quan bảo hiểm Humanis, Stéphanie Villers (Xtê-phan-ni Vin-lơ), tại EU sự quay trở lại của lạm phát có thể làm giảm sức mua của các hộ gia đình, kéo theo kinh tế suy giảm. 

Một số nhà phân tích cũng cho rằng Eurozone sẽ đứng trước nguy cơ đe dọa từ việc tăng lãi suất trong năm 2017. Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 15-12-2016 đã công bố quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm, tiếp đó Pháp, Đức và Italy cũng nâng lãi suất, khiến chu kỳ giảm lãi suất diễn ra từ hơn một thập niên qua đã kết thúc. Đa số các nhà kinh tế đánh giá đây là một tín hiệu tốt vì thời gian qua lãi suất đã rơi xuống mức quá thấp.

Tuy nhiên, chuyên gia Gilles Moëc của ngân hàng Bank of America ML nhấn mạnh điều này chỉ thực sự tốt với điều kiện là lạm phát không bùng lên quá cao. Ông Moëc nhận định tại châu Âu, lạm phát cao có thể gây hậu quả nặng nề đặc biệt là ở các nước có nền kinh tế đang suy giảm như Italy, Bồ Đào Nha. Để ngăn chặn nguy cơ trên, tháng 12 vừa qua ECB đã quyết định gia hạn chương trình mua lại nợ công (80 tỉ euro/tháng) đến cuối năm 2017. Nhưng việc đó là chưa đủ khi mà công cụ tiền tệ tỏ ra không còn hiệu quả như trước đây và một nguy cơ khác nữa là khi FED tăng lãi 

suất, các nguồn vốn sẽ lại đổ về Mỹ và chính điều này làm suy yếu các thị trường mới nổi. 

Dẫu bức tranh kinh tế Eurozone năm 2016 xuất hiện nhiều gam màu sáng song với những khó khăn trước mắt, hành trình phát triển kinh tế của Eurozone năm 2017 sẽ ít nhiều gặp bất lợi. Trước thềm năm mới 2017, lãnh đạo các nền kinh tế lớn của Eurozone là Đức, Pháp và Italy đã cùng nhau bàn bạc để tìm “hơi thở mới” cho khu vực này bởi các nhà lãnh đạo đều hiểu rằng sự đồng lòng là nhân tố chính tạo nên sức mạnh để con tàu kinh tế Eurozone vượt qua những cơn sóng dữ./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục