Kinh tế thế giới khởi động Năm 2017 với "thể trạng" khá khỏe mạnh

07:03' - 18/02/2017
BNEWS Kinh tế thế giới khởi động năm 2017 với một “thể trạng” khá khỏe mạnh. Thậm chí, Khu vực đồng euro (Eurozone), vốn thường xuyên “ốm yếu”, gần đây cũng đánh đi những tín hiệu tích cực.
Kinh tế thế giới khởi động Năm 2017 với "thể trạng" khá khỏe mạnh. Ảnh: Capital Economics

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng cục diện kinh tế thế giới đang có những diễn biến phức tạp. Cùng phóng viên Kinh tế Việt Nam và Thế giới năm châu nhận định về triển vọng kinh tế năm 2017 của Trung Quốc và Đức.

Năm 2017: Kinh tế Trung Quốc duy trì tăng trưởng trên 6%

Ủy ban Cải cách Phát triển Nhà nước thuộc Quốc Vụ Viện (Chính phủ) Trung Quốc chính thức công bố trong 3 quý đầu năm 2016, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đều đạt 6,7%, dự báo mức tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này trong cả năm 2016 sẽ ở mức 6,7%, đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6,5% - 6,7% được đưa ra từ đầu năm 2016. Cùng với mức tăng trưởng 6,7%, quy mô kinh tế của Trung Quốc trong năm 2016 ước đạt trên 70.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 10.100 tỷ USD.

Tuy nhiên, bước sang năm 2017, rất nhiều thông tin dự báo kinh tế của Trung Quốc sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 6,5%, thậm chí Chính phủ nước này có thể sẽ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong 5 năm tới giảm xuống còn 6% - 6,5%, từ mức 6,5% - 6,7% được đưa ra trước đó. Cơ sở của những dự báo này dựa trên mức tăng trưởng xuất khẩu liên tục giảm của Trung Quốc trong năm 2016, cũng như nguồn vốn đầu tư của nước này không ngừng chảy ra bên ngoài và lượng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm liên tục trong ba tháng gần đây, hiện còn trên 3.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Hang Seng Hong Kong, Tiết Tuấn Thăng dự báo, trong năm 2017 này, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển ổn định, tỷ lệ tăng trưởng có thể đạt mức trên 6,5%. Điểm tựa cho kinh tế Trung Quốc duy trì tăng trưởng ổn định trong năm 2017 chính là kinh tế Âu, Mỹ được đánh giá sẽ phát triển tương đối ổn định trong năm nay, điều này sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng trở lại.

Trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, theo các chuyên gia phân tích kinh tế, trong năm 2017, Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì quyền kiểm soát chính sách tiền tệ, thực hiện dần tự do hóa dòng vốn và từng bước thị trường hóa tỷ giá đồng nhân dân tệ. Về cải cách tỷ giá, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cơ bản có thể sẽ cho phép nâng khoảng cách giữa đồng nhân dân tệ (NDT) với đồng USD, đồng thời lấy giỏ tiền tệ để tham khảo nhằm dần dần thả nổi đồng NDT.

Đối với vấn đề kiểm soát vốn, Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục xử lý nghiêm các nguồn tài sản bất hợp pháp chảy ra ngoài. Cùng với việc này, Chính phủ Trung Quốc đã cho phép chuyển đổi tự do có giới hạn ở mức 10 triệu USD đối với các tài khoản bằng đồng nhân dân tệ tại các thành phố Thiên Tân, Thâm Quyến và Phúc Kiến, đây là bước đi đầu tiên của Trung Quốc trong tiến trình tự do hóa hoàn toàn các dòng vốn. Tuy nhiên, trong năm 2017 này, dưới áp lực phải phá giá, làm thế nào để ổn định tỷ giá đồng nhân dân tệ sẽ là một thách thức lớn và là nhiệm vụ khó khăn đối với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.

Ổn định tỷ giá đồng NDT là thách thức lớn đối với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Ảnh: thisismoney.co.uk

Nhìn sang Hong Kong, tuy là Khu Hành chính Đặc biệt thuộc Trung Quốc, nhưng cũng là một thể kinh tế độc lập và luôn được nhìn nhận là thị trường tự do hàng đầu thế giới. Năm 2016, dự báo tăng trưởng kinh tế của Hong Kong ở mức 1,5%, thấp hơn rất nhiều so với con số 2,6% của năm 2015, nhưng đạt được mục tiêu mà Chính quyền Hong Kong đề ra hồi đầu năm là mức tăng trưởng từ 1% - 2%. Năm 2017, giới chuyên gia cho rằng tuy vẫn còn nhiều nhân tố không xác định, nhưng kinh tế Hong Kong sẽ đủ sức duy trì mức tăng trưởng từ 1,5% - 2%.

Dựa theo khảo sát hàng năm của IMD World Competitiveness Center, năm 2016 Hong Kong được ghi nhận là nền kinh tế có sức cạnh tranh lớn nhất trên thế giới. Lý do chủ yếu bởi Hong Kong áp dụng khuyến khích đổi mới thông qua mức thuế thấp, đơn giản và không áp đặt các hạn chế về dòng vốn. Đây là một trong những yếu tố tâm lý quan trọng để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư qua kênh thị trường chứng khoán Hong Kong.

Với đặc thù chỉ có kinh tế dịch vụ, bao gồm tài chính ngân hàng, thương mại, vận tải và đầu tư…, kinh tế Hong Kong luôn phụ thuộc rất lớn vào sự ổn định của kinh tế khu vực và thế giới, nhất là kinh tế Trung Quốc đại lục, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc được đánh giá sẽ dần đi vào quỹ đạo tăng trưởng ổn định, giới phân tích cho rằng, năm 2017 và những năm tiếp theo, tăng trưởng kinh tế của Hong Kong sẽ đạt mức từ 1,5% - 2%, đây là mục tiêu không khó để đạt được.

Brexit và Donald Trump, hai mối lo của kinh tế Đức trong năm 2017

Bước sang năm 2017, kinh tế Đức sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách và khó duy trì được mức tăng trưởng ấn tượng 1,9% như năm 2016.

Khó khăn đầu tiên cần phải được đề cập đến đó là việc nước Anh khởi động đàm phán rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Mặc dù kéo dài trong hai năm, nhưng quá trình này sẽ sớm tác động đến kinh tế Đức, bởi Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Đức và những rào cản khi xâm nhập thị trường Anh là điều mà không doanh nghiệp nào của Đức mong muốn.

Tương tự, quan hệ kinh tế giữa Đức và Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức, cũng có nguy cơ bị hạn chế do Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump đã thể hiện rõ quan điểm chống lại tự do thương mại mà động thái gần đây nhất là quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Bất kỳ sự thay đổi chính sách nào của chính quyền mới tại Mỹ cũng sẽ tác động rất lớn đến kinh tế Đức, vốn dựa nhiều vào xuất khẩu. Việc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa châu Âu và Mỹ rơi vào bế tắc cũng khiến kinh tế Đức mất đi một động lực tăng trưởng.

Xa hơn, trên phạm vi toàn cầu, nhiều khu vực tiếp tục trong tình trạng bất ổn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu và như thị trường xuất khẩu hàng hóa đối với nước Đức. Còn tại nước Đức, tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề và có trình độ cao cũng ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, bất chấp một thực tế là tỷ lệ thất nghiệp ở Đức trong năm 2016 đã giảm xuống dưới 6%. An ninh cũng là một thách thức khác đối với kinh tế Đức trong năm 2017, sau các vụ tấn công khủng bố vừa qua. Một nước Đức không còn an toàn sẽ khiến các nhà đầu tư e ngại.

Về mặt chính sách, cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang vào tháng 9/2017 sẽ tác động không tốt tới việc phát triển kinh tế, khi mà các các đảng phái tập trung nhiều hơn cho việc chạy đua trên bàn cờ chính trị. Thủ tướng Angela Merkel lẫn Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Sigmar Gabriel nhiều khả năng sẽ là đối thủ chính của nhau trong cuộc đua vào ghế Thủ tướng sắp tới.

Tất nhiên, không phải mọi thứ đối với kinh tế Đức trong năm 2017 đều mang gam màu xám. Dựa vào nền tảng và tiềm lực sẵn có, Đức vẫn sẽ là đầu tàu của kinh tế châu Âu. Việc đồng Euro mất giá, có thể xuống mức ngang với đồng USD, là cơ hội tốt cho những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Đức. Nước Đức vẫn là địa chỉ đầu tư tin cậy đối với các doanh nghiệp từ Mỹ, Thụy Sĩ và đặc biệt là Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục